Cũng trên dòng chảy trắng xóa ấy, từ lâu người dân bản địa đã lưu truyền câu chuyện đẫm nước mắt để lý giải cho sự hình thành của một tuyệt tác thiên nhiên.
Thác treo đỉnh núi
Cách trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum khoảng 90 km về hướng bắc, thác Siu Puông nằm e ấp giữa thăm thẳm rừng xanh của xã Đăk Na (H.Tu Mơ Rông). Ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, ngọn thác mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ cùng khí hậu mát mẻ quanh năm. Cũng bởi khung cảnh như tranh vẽ ấy mà Siu Puông từ lâu đã được xem là biểu tượng của huyện vùng cao xa ngái này.
Từ xa xưa, người ta đã ví thác Siu Puông như mái tóc buông dài của thiếu nữ đang say ngủ giữa rừng sâu. Ít năm trở lại đây, người dân địa phương đã biết tận dụng vẻ đẹp kỳ vĩ này để làm du lịch cộng đồng, dù còn mang tính tự phát.

Giữa những cánh rừng bạt ngàn tuôn ra một dòng thác tung bọt trắng xóa
ẢNH: BAN NGUYÊN
Hành trình đến Siu Puông là một chuyến phiêu lưu đầy cảm xúc. Từ trung tâm xã Đăk Na, du khách băng qua những thửa ruộng bậc thang trải dài đến tận chân trời. Giữa thảm xanh mượt như nhung ấy, một con suối nhỏ len lỏi uốn lượn như dải lụa bạc, gợi lên cảm giác yên bình và nên thơ.
Qua hết cánh đồng, một con đường đất đỏ len giữa rừng thông vi vút gió xuất hiện. Nhiệt độ bất ngờ hạ xuống khiến du khách có cảm giác như đang ở một cánh rừng vùng ôn đới. Thế rồi giữa rừng sâu, bất ngờ hiện ra một thảm cỏ bằng phẳng xanh mướt như ở thảo nguyên. Ít ai biết, nơi ấy từng là một ngôi làng cũ. Vì tập tục du canh du cư, những cư dân ở đây thuở trước đã di chuyển đến một nơi ở mới màu mỡ hơn. Khi con người rời đi, thiên nhiên đã phủ lên đó một thảm cỏ mượt mà, xanh um, khiến nơi này như vùng đất bình yên bị lãng quên.
Qua khỏi thảo nguyên xanh, vì không còn đường đi, du khách phải để lại xe máy và đi bộ xuyên rừng. Sau khoảng nửa giờ leo núi, lội suối, cảnh quan kỳ vĩ cũng dần xuất hiện. Giữa bốn bề núi non hùng vĩ, thác Siu Puông hiện ra như chiếc khăn voan vắt lên núi đá.
Ngọn thác cao khoảng 240 m, không đổ thẳng đứng mà trải dài qua nhiều tầng đá theo hình zích zắc. Bên dưới mỗi tầng thác đổ là hồ nước trong vắt, tuyệt đẹp. Thác có 7 tầng chính, trong đó tầng trên cùng cao gần 60 m, các tầng tiếp theo dao động từ 10 – 40 m. Khởi nguồn từ rừng già, thẩm thấu qua các tầng địa chất, đá núi nên dòng nước của thác Siu Puông cũng tinh khiết và mát lạnh lạ thường.

Trên hành trình khám phá thác Siu Puông, du khách sẽ được ngắm những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp
ẢNH: PHẠM XUÂN
Chuyện tình hóa đá
Sinh ra và lớn lên ở Đăk Na, ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho hay từ lâu người dân nơi đây đã lưu truyền câu chuyện sự tích thác Siu Puông.
Ông Dũng kể rằng, ngày xưa từ thuở núi rừng còn chưa có dấu chân người, muông thú còn lang thang ngoài rẫy, kẻ thù còn rình rập sau lũy tre. Khi ấy, mỗi làng đều có một trưởng làng, người là chủ đất, chủ rẫy. Ruộng nương, lối mòn, con suối, cả người trong làng đều dưới quyền ông. Mỗi khi làng nguy biến, trai tráng đều phải nghe theo lời gọi của trưởng làng.
Trưởng làng Riếp tên là Riếp. Ông góa từ vợ sớm, chỉ còn một người con trai tên Kal. Kal to khỏe như cây kơ nia, làm lụng siêng năng như con trâu ngoài ruộng nhưng lại hiền như con nai non đầu suối.
Ở cuối làng Riếp có hai vợ chồng già nghèo, sinh được cô con gái tên là Puông. Nàng Puông càng lớn càng đẹp. Môi nàng đỏ như hoa pơ lang nở, tóc nàng mượt như suối. Thấy nàng, trai làng ngẩn ngơ nhưng tim nàng đã dành trọn cho Kal.
Mùa mưa năm ấy dữ dội lạ thường. Lũ từ thượng nguồn đổ về, cuốn trôi ruộng lúa, hoa màu, cả làng đói khát. Mẹ nàng Puông lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cha nàng túng bấn, phải vay nợ trưởng làng Riếp để cầm cự qua ngày. Nợ chất chồng, không còn gì để gán, trưởng làng Riếp bắt ông gả nàng Puông cho mình.
Thế rồi làng Riếp vang tiếng cồng chiêng. Đám cưới kéo dài suốt đêm nọ đến ngày kia. Cả làng ca hát, nhảy múa, chúc mừng ông trưởng làng có vợ đẹp như trăng rằm trong khi tim chàng Kal vỡ vụn. Một đêm mưa trắng núi, chàng rời làng, đi mãi vào rừng sâu. Đến khi kiệt sức, chàng ngã xuống, hóa đá giữa đại ngàn.

Thác Siu Puông được xem như biểu tượng của huyện miền núi Tu Mơ Rông
ẢNH: BAN NGUYÊN
Nàng Puông hay tin, tim như ai xé. Nhân lúc đêm tối, trưởng làng say ngủ, nàng bỏ trốn. Gió rừng thì thầm chỉ lối cho nàng tìm đến nơi Kal. Nàng ôm lấy phiến đá lạnh, khóc mãi cho đến khi cạn nước mắt. Trời mưa xối xả, tóc nàng bạc trắng rồi biến thành dòng thác, buông xõa bên tảng đá Kal.
Cha nàng Puông đi tìm con. Gió rừng lại thì thầm mách lối. Sáng hôm sau, người ta thấy mây trắng bao quanh ngọn thác. Người làng bảo ông đã hóa mây, bay về che chở cho con gái.
Còn trưởng làng Riếp, khi tỉnh dậy không thấy vợ và con trai đâu, ông cũng vội đi tìm. Ông lần đến nơi Kal hóa đá. Nhìn con trai, nhìn nàng Puông, ông òa khóc, đập đầu vào đá, máu chảy đỏ đất rừng. Nơi ông gục xuống mọc lên những hàng cây phong lá đỏ, đỏ như lửa, như máu, như lời sám hối muộn màng.
“Từ đó, người ta gọi nơi có tảng đá ấy là núi Ngọc Kal, dòng thác bạc trắng ấy là thác Siu Puông, còn cánh rừng phong thì mang tên Riếp để ghi nhớ câu chuyện tình buồn”, ông Dũng kể.
Ngày nay, thác Siu Puông và núi Ngọc Kal đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, với tiềm năng và giá trị tài nguyên thiên nhiên độc đáo, từ nhiều năm qua, thác Siu Puông đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. (còn tiếp)