Theo đó, dự thảo luật định hướng có quy định cấp phép mở chương trình đào tạo thay vì cho phép tự chủ mở ngành như quy định hiện hành.
Thông tin này được chia sẻ trong hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15.5 tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Hội thảo thu hút lãnh đạo của hơn 52 cơ sở giáo dục ĐH phía nam tham dự.
CHUYỂN SANG ĐĂNG KÝ VÀ CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết luật Giáo dục ĐH sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục ĐH bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Lần này luật sửa khá căn bản, trên nguyên tắc kế thừa và đảm bảo ít thay đổi. Dự thảo luật sửa đổi sẽ kế thừa trên 55% các điều khoản nội dung không đổi luật Giáo dục ĐH hiện hành; không trùng lặp các điều khoản với luật Giáo dục và luật sửa đổi Giáo dục, luật Nhà giáo, luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, dự thảo luật mới giúp giảm hơn số điều, chương; giảm 50% số lượng quy trình; giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với luật Giáo dục ĐH hiện hành.

Tiến sĩ Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, nêu ý kiến tại tọa đàm
ẢNH: HÀ ÁNH
“Độ dài của luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này chỉ bằng khoảng 50% so với luật Giáo dục ĐH năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng giảm khoảng một nửa. Mục tiêu nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Một điểm mới của dự thảo luật Giáo dục ĐH sửa đổi thu hút sự quan tâm từ phía cơ sở giáo dục ĐH liên quan đến việc quy định mở ngành. Đại diện Ban soạn thảo dự án luật Giáo dục ĐH (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo cho biết luật sửa đổi dự kiến điều chỉnh quy định về quy trình mở ngành thành quy trình đăng ký và cấp phép hoạt động theo lĩnh vực, trình độ đào tạo và địa điểm đào tạo. Tích hợp nội dung trùng lặp và bãi bỏ các quy định chi tiết về điều kiện mở ngành, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, quy trình tổ chức đào tạo chi tiết. Cơ sở đào tạo được tự chủ trong phát triển và thực hiện chương trình đào tạo được cấp phép nhưng ngoại trừ lĩnh vực sức khỏe, giáo viên, pháp luật, an ninh và quốc phòng.
“MỘT BƯỚC LÙI KHÁ SÂU” ?
Trước điểm mới này, tiến sĩ Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, nêu ý kiến: “Việc chuyển quy trình mở ngành thành quy trình đăng ký và cấp phép hoạt động theo lĩnh vực, trình độ đào tạo và địa điểm đào tạo, theo tôi đây là một bước lùi và bước lùi khá sâu”. Giải thích nhận định này, tiến sĩ Việt cho biết hiện nay việc mở ngành đang chia theo 2 nhóm: nhóm tự chủ mở ngành và nhóm chưa được tự chủ mở ngành. Thực tế chỉ một số nhỏ không đủ điều kiện tự chủ mở ngành. Từ đó ông Việt đề xuất, nên chăng thực hiện đăng ký thay vì cấp phép và khi đó các trường tự chịu trách nhiệm.
“Việc cấp phép nên chăng chỉ dành cho một số lĩnh vực rất đặc thù, ví dụ như đào tạo giáo viên, y tế, pháp luật, quốc phòng an ninh”, tiến sĩ Việt nói thêm.
Bộ GD-ĐT lý giải việc điều chỉnh
Trước băn khoăn của cơ sở giáo dục ĐH, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Tiến Thảo cho biết dự thảo luật định hướng chỉ cấp phép mở chương trình đào tạo đầu tiên của một ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực ở một trình độ nhất định để đảm bảo sự quản lý thống nhất. Từ chương trình đào tạo thứ 2 trở đi sẽ thuộc quyền tự chủ của nhà trường.
So sánh quy định mới và cũ, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Thảo cho rằng ở quy định luật hiện hành tiếp cận hướng tự chủ có điều kiện, cơ sở đào tạo đạt được mức độ tự chủ nào thì được mở ngành ở mức đó và ngược lại. Vụ trưởng nói: “Dự thảo tiếp cận theo hướng tự chủ không có ràng buộc nào cả, là quyền của cơ sở giáo dục ĐH gắn với trách nhiệm giải trình và kết quả. Vì thế, quy định chỉ ở đây ghi cấp phép mở chương trình đào tạo đầu tiên của một ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực ở một trình độ. Quy định này cho áp dụng với chương trình đầu tiên của một ngành ở một trình độ và từ chương trình thứ 2 – 3 thì không cần nữa”.
Việc này, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhằm đảm bảo việc khai báo trên hệ thống của trường ĐH về các tiêu chuẩn cần có, thực chất là soi chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở đào tạo; cách để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo sự thống nhất. “Cơ sở đào tạo chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn là được chứ không còn khó khăn gì nữa”, Vụ trưởng nhấn mạnh.
Giải đáp băn khoăn của trường ĐH, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Thảo nói thêm: “Chúng ta đang tư duy theo hướng cấp phép mở ngành xưa nay có nhiều thủ tục quá. Ở đây, cấp phép chỉ là thống kê, khai báo trên hệ thống những yêu cầu đạt được của chuẩn cơ sở giáo dục và chuẩn chương trình đào tạo là được. Với ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị ĐH, thủ tục sẽ giảm đi rất nhiều”.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng khái niệm chương trình đào tạo sẽ mở rộng hơn “Sẽ không còn khái niệm mở ngành, nhất là cụm từ mở ngành mới”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh
ảnh: Hà Ánh
Lý giải về dự kiến điều chỉnh trong mở ngành, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận: “Đây là vấn đề rất khó, Bộ GD-ĐT không muốn phải kiểm soát việc này. Các văn bản đã trao quyền tự chủ nhiều hơn nhưng có trường làm tốt, nhưng có những mặt trái của nó, có trường lạm dụng – đó là vấn đề và làm sao để có thể hạn chế thấp nhất sự lạm dụng”.
Nói thêm về mối quan hệ giữa ngành và chương trình đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng khái niệm chương trình đào tạo sẽ mở rộng hơn, ví dụ có thể chương trình tích hợp. “Bản chất của ngành thực ra là mã để thống kê, phân loại các chương trình và hiện tập trung vào chương trình đào tạo. Sẽ không còn khái niệm mở ngành, nhất là cụm từ mở ngành mới. Trong một thời gian nhiều năm sau luật Giáo dục ĐH 2018 có hiệu lực, chúng ta có khái niệm tự chủ mở ngành mới và có mấy trăm ngành mới ra đời nhưng không có trong danh mục đào tạo. Không sắp xếp được sẽ gây thiệt thòi cho người học và khó khăn cho việc đào tạo các trình độ khác. Ngành là để thống kê phân loại, cần xác định lại xây dựng đào tạo xếp vào ngành nào trong danh mục để đối chiếu, so sánh”, Thứ trưởng nói thêm.
Kiểm định chất lượng không còn là điều kiện tự chủ
Một nội dung được đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật Giáo dục ĐH liên quan đến quyền tự chủ các cơ sở đào tạo. Vụ trưởng Nguyễn Tiến Thảo nói: “Dự thảo luật sửa đổi quy định tự chủ ĐH là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục ĐH trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH; không còn áp dụng tự chủ có điều kiện như luật hiện hành. Tự chủ – trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục ĐH”.
Vụ trưởng thông tin thêm: “Kiểm định cơ sở giáo dục ĐH là bắt buộc, được thực hiện định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Kiểm định chất lượng chỉ yêu cầu bắt buộc với các lĩnh vực, nhóm ngành đặc thù (sức khỏe, sư phạm, pháp luật) và chương trình đầu tiên thuộc một lĩnh vực đào tạo. Hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo của các tổ chức kiểm định trong nước là dịch vụ công có thu phí. Kết quả kiểm định cải tiến chất lượng, không là điều kiện tự chủ, không thay thế hoạt động đảm bảo chất lượng, thanh kiểm tra”.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý: “Theo chủ trương là tăng tối đa quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo ĐH mà không phân biệt, không đưa ra điều kiện. Mặc nhiên là tự chủ nhưng phải hiểu đúng, tự chủ là được quyền quyết định chứ không phải tự chủ là làm khác quy định pháp luật”.