Làn sóng Covid-19 mới ở châu Á

Làn sóng Covid-19 mới ở châu Á

bởi

trong

Diễn biến dịch bệnh

Thái Lan là một trong những quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng ca mắc Covid-19 sau lễ hội Songkran thường niên vào tháng 4, theo Bloomberg. Phát ngôn viên Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết từ ngày 1.1 – 14.5, Thái Lan ghi nhận hơn 71.000 ca mắc và 19 ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, thủ đô Bangkok nhiều nhất với hơn 16.700 ca dương tính, đỉnh điểm từ ngày 27.4 – 3.5 với hơn 14.000 ca, tuy nhiên số ca nhiễm đã giảm xuống khoảng 12.500 từ ngày 4 – 10.5. Các tỉnh như Chon Buri, Nonthaburi và Rayong cũng có số ca nhiễm cao. Tại Singapore, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý bệnh truyền nhiễm Singapore cho biết số ca nhiễm tăng hơn 3.000 ca trong một tuần, lên mức 14.200 ca trong tuần từ ngày 27.4 – 3.5. Số ca nhập viện trung bình hằng ngày tăng từ 102 lên 133, theo The Strait Times. Hiện tại, 2 biến thể chính lưu hành là LF.7 và NB.1.8, chiếm hơn 2/3 số ca mắc tại Singapore, đều đã có vắc xin phòng ngừa.

Thái Lan cảnh giác sau 6 ca tử vong do Covid-19

Giới chức y tế cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng nhẹ trong 2 tháng qua ở Trung Quốc, song trấn an người dân rằng Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Từ ngày 31.3 – 4.5, tại các khoa ngoại trú và cấp cứu, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong tổng số ca bệnh triệu chứng giống cúm đã tăng từ 7,5% lên 16,2%, theo Hoàn cầu thời báo ngày 13.5 dẫn dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc. Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan ghi nhận số lượt khám và cấp cứu liên quan Covid-19 gần chạm mốc 10.000 từ ngày 4 – 10.5, tăng 66% so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận xu hướng tăng ca mắc Covid-19 ở Đài Loan. Từ ngày 6 – 11.5, Đài Loan có 6 ca tử vong và 34 ca bệnh nặng mới do Covid-19.

Làn sóng Covid-19 mới ở châu Á

Người dân trong lễ hội Songkran ở Bangkok hồi tháng 4

Ảnh: AFP

“Không nên hoảng sợ”

Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin cho biết sự gia tăng các ca bệnh ở nước này là do biến thể phụ Omicron XEC vốn được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh nhưng ít gây bệnh nặng. Ông Thepsutin kêu gọi người dân không nên hoảng sợ về sự bùng phát trở lại của dịch, đồng thời nhấn mạnh Covid-19 hiện được phân loại là bệnh lưu hành. PGS-TS Thira Woratanarat tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) khuyên người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ những người xung quanh, theo The Nation.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này ngày 14.5 khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, theo Khmer Times.

Trong khi đó, giới chức y tế Singapore cho hay sự gia tăng các ca bệnh có thể là do một số yếu tố, bao gồm khả năng miễn dịch của cộng đồng đang suy yếu. Chính phủ Singapore cũng khuyến khích người dân, đặc biệt là nhóm người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên y tế và trẻ em, tiêm thêm liều vắc xin nhắc lại. Tại Trung Quốc, mặc dù số ca bệnh có tăng nhẹ, các bác sĩ nhấn mạnh rằng đây chỉ đơn giản là sự biến động bình thường, theo Health Times ngày 13.5. Tiến sĩ Cai Weiping, chuyên gia tại Bệnh viện Nhân dân số 8 Quảng Châu, nhận định không có sự khác biệt giữa đợt nhiễm Covid-19 này và các đợt trước. Tuy nhiên, ông Zhao Lei, Trưởng khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện liên hợp Vũ Hán, cảnh báo người dân vẫn nên thận trọng.

WHO chuẩn bị nhóm họp

Các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ họp thường niên từ ngày 19 – 27.5. Cuộc họp dự kiến thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về đại dịch Covid-19 và phân bổ lại ngân sách trong bối cảnh Mỹ cắt giảm tài trợ. Bà Catharina Boehme, trợ lý tổng giám đốc phụ trách quan hệ đối ngoại và quản trị của WHO, cho biết: “Cuộc họp lớn này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với sức khỏe toàn cầu khi nhiều quốc gia đang đối mặt với những mối đe dọa mới nổi và thay đổi lớn”.