Ông Nguyễn Văn Đoan (60 tuổi, ở Hà Nội) hỏi: Con trai tôi 19 tuổi, đã khám nghĩa vụ quân sự và đủ điều kiện về sức khỏe. Tuy nhiên, cháu vừa nhận được giấy triệu tập của công an để phục vụ điều tra trong một vụ án cố ý gây thương tích.
Xin hỏi, nếu quá trình điều tra kéo dài đến thời điểm nhập ngũ thì cháu có được gọi nhập ngũ hay không? Trong trường hợp xấu nhất, nếu cháu bị xét xử thì việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ như thế nào?
Nếu bị tuyên án treo thì có phải nhập ngũ không? Trường hợp người vừa chấp hành án tù nhưng vẫn còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ thì có được tiếp tục xét tuyển không?
Luật sư Trương Ngọc Liêu (Công ty Luật Trương Anh Tú) trả lời: Người bị triệu tập để làm việc liên quan đến vụ án hình sự vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, bởi vì nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc; đồng thời, nghĩa vụ có mặt để làm việc với cơ quan điều tra khi được mời hoặc triệu tập là nghĩa vụ của người liên quan hoặc người bị tình nghi phạm tội.
Đây là hai nghĩa vụ độc lập, việc đang thực hiện nghĩa vụ này không đương nhiên được miễn trừ nghĩa vụ kia. Tuy nhiên, nếu một người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự mà bị khởi tố bị can và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn hình sự như tạm giam, thì việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ bị tạm đình chỉ để phục vụ công tác điều tra.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bị triệu tập trong vụ án hình sự có thể bao gồm: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can… Do ông Nguyễn Văn Đoan chưa nêu rõ con trai bị triệu tập trong giai đoạn nào đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay chỉ đang trong giai đoạn xác minh tin báo, tố giác tội phạm, nên chưa thể khẳng định cháu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa.
Trong trường hợp con ông đã bị khởi tố bị can và đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ thuộc diện không được đăng ký nghĩa vụ quân sự, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Ngoài ra, công dân đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích, cũng thuộc diện không được đăng ký nghĩa vụ quân sự. Khi hết thời hạn áp dụng các biện pháp này và đã được xóa án tích, công dân mới được đăng ký nghĩa vụ quân sự trở lại.
Trường hợp vụ việc cố ý gây thương tích mới chỉ đang trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thì việc con ông có đủ điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra.
Nếu cơ quan điều tra khởi tố vụ án và bị can, cháu sẽ không đủ điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự như đã nêu. Ngược lại, nếu cơ quan công an xác định không có dấu hiệu tội phạm và ra quyết định không khởi tố, thì con ông vẫn đủ điều kiện để đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trong trường hợp đủ điều kiện, cháu có thể được gọi nhập ngũ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về tuổi, chính trị, sức khỏe, trình độ văn hóa và không thuộc diện tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ.
Cụ thể theo quy định, về độ tuổi: Công dân nam từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Trường hợp đã được tạm hoãn do đang học đại học/cao đẳng hệ chính quy thì có thể được gọi đến hết 27 tuổi.
Tiêu chuẩn chính trị: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA. Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Tiêu chuẩn sức khỏe: Theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, tuyển công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3. Không gọi nhập ngũ đối với người bị tật khúc xạ mắt từ 1,5 điop trở lên, nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.
Tiêu chuẩn văn hóa: Tốt nghiệp lớp 8 trở lên, xét tuyển từ cao xuống thấp. Vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn có thể tuyển từ lớp 7; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người có thể tuyển tối đa 25% có trình độ tiểu học.
Các trường hợp được tạm hoãn: Chưa đủ sức khỏe (theo kết luận của Hội đồng khám), đang học phổ thông hoặc học đại học/cao đẳng hệ chính quy. Miễn gọi: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ…
Trường hợp người mất không để lại di chúc, việc chia thừa kế sẽ được thực hiện theo pháp luật và xác định hàng thừa kế theo pháp luật được chia theo thứ tự hàng thừa kế.
Theo luật sư, không bắt buộc phải đổi lại sổ đỏ nếu diện tích ghi trên sổ vẫn đúng tuy nhiên, người dân nên thực hiện thủ tục chỉnh lý thông tin để đảm bảo quyền lợi lâu dài, tránh phát sinh tranh chấp.
Ô tô đỗ sát vỉa hè phía bên phải hoặc theo chiều di chuyển và không gây cản trở, nguy hiểm cho người đi bộ hoặc phương tiện tham gia giao thông… sẽ không bị xử phạt.