Giáo dục giới tính để bảo vệ trẻ em

Giáo dục giới tính để bảo vệ trẻ em

bởi

trong
Giáo dục giới tính để bảo vệ trẻ em

Lý do trước hết vì đây là một thực trạng đau lòng. Theo thống kê từ Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), từ tháng 3.2023 – 12.3.2025, có 224 trường hợp nghi bị bạo lực hoặc xâm hại tình dục được hỗ trợ. Trong đó, có đến 194 trường hợp là trẻ vị thành niên mang thai và sinh con (bao gồm 74 em dưới 16 tuổi, và 120 em trong độ tuổi 16 – 17). Trường hợp mang thai nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi. Nhiều chuyên gia đã gọi đây là thực trạng “trẻ em sinh trẻ em”.

Thật khó hình dung một đứa trẻ còn đang tuổi đi học, sống phụ thuộc vào cha mẹ, lại phải mang thai, sinh con và làm mẹ. Trong khi đó, cuộc đời sau này của các em còn rất dài, vì vậy nguy cơ bị tổn thương tâm lý nặng nề, bị gia đình, xã hội kỳ thị là hiện hữu.

Đó là góc nhìn xã hội, còn nói riêng về sức khỏe thì nguy hiểm khôn lường. Bởi mang thai khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ có thể gây ra nhiều nguy cơ như mệt mỏi kéo dài, thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, băng huyết… Trong khi đó, trẻ sinh ra từ các bà mẹ vị thành niên thường nhẹ cân, dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao trong năm đầu đời.

Lý do tiếp theo là thực trạng này đang gia tăng, nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào hữu hiệu. Thống kê được đề cập ở trên, về thực chất, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi đâu chỉ có mô hình ở Bệnh viện Hùng Vương mà còn nhiều bệnh viện phụ sản khác hằng ngày tiếp nhận, điều trị cho hàng trăm ngàn người bệnh.

“Vũ khí” được xem là quan trọng nhất để phòng ngừa là giáo dục giới tính. Nhưng hiện nay, chương trình dạy học về giáo dục giới tính từ trong đến ngoài nhà trường vẫn còn sơ sài, có nhiều bất cập. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh việc phòng ngừa như nói trên để trẻ em, thanh thiếu niên đang vào đời có thêm cách bảo vệ bản thân mình.