Người Syria ăn mừng khi ông Trump tuyên bố dỡ trừng phạt

Người Syria ăn mừng khi ông Trump tuyên bố dỡ trừng phạt

bởi

trong

Người dân Syria đang ngập tràn hy vọng về một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn sau khi Tổng thống Trump thông báo sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với họ.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu tại Arab Saudi hôm 13/5 rằng ông sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria đã khơi dậy hy vọng trên khắp nước này rằng cuộc sống sẽ được cải thiện sau hơn một thập kỷ chiến tranh và thiếu thốn.

Lương sẽ tăng. Bánh mì và xăng sẽ rẻ hơn. Điện sẽ có nhiều hơn vài giờ mỗi ngày. Công cuộc tái thiết các thị trấn và thành phố bị phá hủy sẽ bắt đầu. Đó là những kỳ vọng mà người dân Syria đang có sau thông báo từ ông chủ Nhà Trắng.





Người Syria ăn mừng khi ông Trump tuyên bố dỡ trừng phạt

Người dân ở thành phố Homs, Syria, ăn mừng hôm 13/5 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ trừng phạt và bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới của nước này. Ảnh: AP

“Nó sẽ giúp chúng tôi thoải mái hơn”, dược sĩ Sami al-Hajj cho biết. “Trước đây, chúng tôi luôn lo sợ cho tương lai, cho chính chúng tôi và con cái. Nhưng giờ đây, điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội”.

Các nhà phân tích và nhiều người khác ở Syria coi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ là một bước tiến rất quan trọng, giúp chính phủ mới xây dựng lại nền kinh tế vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi nhiều năm xung đột, nội chiến. Các lệnh trừng phạt đã cắt Syria khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế và cô lập họ với nền kinh tế toàn cầu, chặn hoạt động chuyển tiền, hạn chế nhập khẩu cũng như cấm hầu hết công ty nước ngoài hoạt động tại đây.

Hôm 14/5, Tổng thống Trump cũng gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Sharaaa, người từng dẫn dắt chiến dịch lật đổ cựu tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 12 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm lãnh đạo hai nước gặp nhau. Cuộc trò chuyện, dù chỉ kéo dài khoảng nửa giờ, đã được Bộ Ngoại giao Syria mô tả là “sự kiện lịch sử”.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau cuộc gặp, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ông Trump đã thúc giục ông Sharaa đạt thỏa thuận hòa bình với Israel, trục xuất những kẻ khủng bố nước ngoài, hỗ trợ Mỹ chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tiếp quản các trung tâm giam những tay súng IS ở đông bắc Syria.

Chính phủ Syria cho rằng cuộc gặp đã mở ra “các con đường cho quan hệ đối tác Syria – Mỹ”, trong đó có cả chống khủng bố.

Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Syria kể từ năm 2004, đặc biệt là sau khi cuộc nội chiến tại nước này bùng nổ vào năm 2011 dưới thời tổng thống Assad.

Vào thời điểm ông Sharaa lên nắm quyền, nhiều vùng đất ở Syria đã bị phá hủy và nền kinh tế rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Theo một báo cáo từ Liên Hợp Quốc hồi tháng hai, 90% dân số Syria sống trong cảnh nghèo đói và sản lượng kinh tế của đất nước chỉ bằng 1/4 so với trước chiến tranh. Báo cáo cho biết với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Syria sẽ không thể trở lại mức sản lượng kinh tế cũ trước năm 2080.

Nếu Mỹ thực hiện tuyên bố của Tổng thống Trump, đây có thể là một bước ngoặt với Syria.

Các quốc gia Vùng Vịnh giàu có như Qatar và Arab Saudi, những nước ủng hộ chính phủ mới ở Syria, giờ đây có thể gửi viện trợ tài chính cho Damascus mà không sợ bị trừng phạt.

Các công ty tư nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ và những nơi khác có thể tìm kiếm hợp đồng xây dựng và các lĩnh vực khác tại Syria. Người Syria ở nước ngoài sẽ có thể gửi kiều hối về nhà dễ dàng hơn, nhằm giúp người thân xây dựng lại nhà cửa đã bị phá hủy hay khởi nghiệp kinh doanh.





Tổng thống Trump tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, hôm 13/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, hôm 13/5. Ảnh: AP

Tổng thống Trump cho hay việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mang lại cho Syria “một khởi đầu mới”, nhưng ông không nêu chi tiết về thời gian tiến hành hay cơ chế thực hiện.

Tuyên bố từ Tổng thống Trump cũng là một chiến thắng dành cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, những người đã vận động ông dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria.

Nhưng trên hết, đây là một cú hích đối với Tổng thống lâm thời Sharaa và những nỗ lực của ông nhằm thống nhất đất nước bị chia cắt.

“Bây giờ, quả bóng đã nằm trong chân chính phủ mới”, nhà phân tích chính trị Syria Omar Abu Layla nói.

Theo ông, bất chấp những thách thức to lớn, người dân Syria vẫn sẵn sàng trao cho chính phủ mới một cơ hội, đặc biệt là sau khi họ được Tổng thống Mỹ bật đèn xanh. Nhưng ông Sharaa phải tập trung vào việc cải thiện cuộc sống của người dân bằng cách mở rộng các dịch vụ cơ bản như an ninh, điện, nước.

“Chúng tôi muốn có nhà, xe, việc làm và sống một cuộc sống bình thường”, ông nói, mô tả tâm tư chung của người dân Syria. “Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi. Chúng tôi muốn sống ổn định và đàng hoàng”.

Người dân Syria cho biết cuộc sống của họ đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi đói nghèo do chiến tranh, chính phủ cũ không thể cung cấp các dịch vụ cơ bản, giá trị đồng tiền sụt giảm, khả năng mua sắm bị hạn chế.

“Tỷ giá hối đoái quá cao khiến chúng tôi không đủ khả năng chi trả”, Rasha al-Masri, 29 tuổi, nói. “Chúng tôi không thể theo kịp đà tăng giá và hầu hết người dân Damascus đều muốn rời khỏi đất nước”.

Al-Masri cho biết cô đã nghỉ công việc kế toán trước đây bởi mức lương cô nhận được chỉ còn dưới 100 USD một tháng. Lương tháng của một số quân nhân và nhân viên chính phủ trong chính quyền Assad luôn ở dưới mức 40 USD, trong khi phúc lợi kém.





Những ngôi nhà bị phá hủy ở thủ đô Damascus, Syria, tháng 12/2024. Ảnh: Reuters

Những ngôi nhà bị phá hủy ở thủ đô Damascus, Syria, tháng 12/2024. Ảnh: Reuters

“Internet chậm và chúng tôi phải sử dụng VPN để làm bất cứ điều gì” vì lệnh trừng phạt đã ngăn nhiều công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, cô nói. “Ôtô quá đắt tiền và chúng tôi luôn cảm thấy mình không bao giờ có thể mua được bất cứ thứ gì”.

Tuy nhiên, al-Masri hiện lạc quan hơn bao giờ hết. Đồng tiền của Syria nhanh chóng tăng giá so với đồng USD sau tuyên bố từ Tổng thống Trump. Cô hy vọng nền kinh tế đất nước sẽ sớm mở cửa trở lại với thế giới.

Người bạn của cô, Heba Mahmoud, ca ngợi khả năng lãnh đạo của Tổng thống lâm thời Sharaa.

“Ông Sharaa đã đưa người dân Syria đến chỗ mà chúng tôi không bao giờ nghĩ mình có thể đặt chân đến”, cô nói.

“Tôi vô cùng hạnh phúc”, tài xế taxi Hazem al-Loda, 31 tuổi, nói khi anh xem bài phát biểu của Tổng thống Trump qua màn hình điện thoại hôm 13/5. Hai cánh tay al-Loda nổi da gà, cho thấy anh phấn khích tới mức nào.

Anh cho biết bản thân luôn phải làm việc cật lực suốt nhiều giờ liên tục chỉ để kiếm đủ tiền mua thức ăn cho gia đình. Khi lệnh trừng phạt không còn nữa, anh tin rằng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với tất cả mọi người.

Tại quán cà phê al-Radwa ở thủ đô Damascus, nơi không khí đặc quánh khói shisha và thuốc lá, khách hàng vỗ tay và lắc lư theo nhạc, cho đến tận đêm khuya. Khi được hỏi mọi người cần gì bây giờ nhất, nhân viên phục vụ Ezzedine Saliha, 25 tuổi, chỉ trả lời đơn giản: “Những thứ thiết yếu của cuộc sống”.

“Nó sẽ giúp chúng tôi khởi động quá trình tái thiết, tạo việc làm cho những người trẻ tuổi và tất cả mọi người”, anh nói.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, AP)