Con gái tôi, đang học lớp 12, bật khóc nức nở khi thấy bố bước vào nhà cuối buổi chiều. Tôi vội ôm lấy con, vỗ về.
Khi đã bình tĩnh hơn, con kể lại mọi chuyện, bắt đầu từ buổi sinh hoạt cuối tuần, bàn cách thức tổ chức lễ trưởng thành – tri ân thầy cô, cha mẹ phụ huynh nhân dịp kết thúc 12 năm học.
Cô chủ nhiệm cho biết buổi lễ có sự tham gia của các thầy, cô giáo từng giảng dạy lớp trong 3 năm, đại diện ban giám hiệu và đầy đủ cha mẹ học sinh. Các con sẽ cần chuẩn bị những thước phim tư liệu công phu, xúc động; lên kịch bản, sắp xếp người dẫn chương trình; chuẩn bị hoa, quà tặng thầy cô, cha mẹ; luyện tập văn nghệ và đặt tiệc liên hoan…
Cô kỳ vọng buổi lễ sẽ là sự kiện khó quên với các con, thầy cô và cha mẹ. Nghe con kể đến đây, tôi cũng đã nghĩ như cô chủ nhiệm.

Lễ trưởng thành là sự kiện đánh dấu kết thúc một chặng đường quan trọng của các bạn học sinh lớp 12 (Ảnh minh họa do AI tạo)
Nhưng bọn trẻ nghĩ khác. Con tôi nói để làm được ngần ấy việc một cách chỉn chu, tương tự những sự kiện khác mà các con từng tổ chức, phải mất rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị. Trong khi các con đang bước vào giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp và sau đó là xét tuyển đại học.
Bọn trẻ vì thế đã họp riêng và thống nhất với nhau rằng chúng không muốn làm một chương trình hời hợt, qua quýt, chỉ vì không đủ thời gian và sự tập trung. Thay vào đó, các con đề xuất hình thức khác, giản dị, tiết kiệm và cũng rất trang trọng để tri ân thầy cô vào những tiết học cuối cùng.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng đã làm cô giáo thất vọng. Cô tổ chức họp lớp, gọi các em lên trình bày ý kiến ai đồng ý, ai không, theo cách cô cam đoan là dân chủ. Một số bạn học của con phút cuối đã đổi ý, nghe theo lời cô. Con tôi, cùng vài bạn học khác, thực thà nói ra suy nghĩ của mình.
Vậy là các con bị cô chất vấn rằng tại sao lần này lại không làm được, tại sao lại từ chối, khó khăn vướng mắc ở đâu…
Buổi họp kết thúc bằng việc cô yêu cầu bỏ phiếu bằng cách giơ tay trực tiếp. Cô đếm và thất vọng với những ai không tán thành đề xuất của cô.
Vậy là con gái tôi tổn thương, vì bị coi là kẻ làm đổ vỡ kế hoạch của cô, của lớp; bị ám chỉ là một trong những học sinh không nhiệt thành tri ân thầy cô.
Tôi hiểu và nhận diện ngay ra vấn đề. Tri ân thầy cô và chia tay học sinh khối 12 là những hoạt động ý nghĩa, cần thiết để nhắc nhở về công ơn nuôi dạy của cha mẹ, thầy cô đối với sự trưởng thành về mặt tri thức và nhân cách của học sinh. Thời chúng tôi, những việc này được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, dù cũng có không ít nước mắt và sự bịn rịn của cô trò. Kỷ vật đặc trưng của chuỗi ngày chia tay này, được chúng tôi lưu giữ rất cẩn thận về sau, là lưu bút – cuốn sổ chứa đựng hình ảnh, cảm xúc và chữ ký của thầy cô và bạn bè.
Hơn mười năm nay, khi cuộc sống ngày càng tốt lên; và khi, nhờ Internet, cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây ngày càng sâu rộng hơn, các hoạt động dành cho khối lớp cuối cấp không còn đơn giản như trước. Học sinh được tổ chức cả một chuỗi hoạt động liên quan đến lễ tri ân và trưởng thành. Nhiều trường học ở những thành phố lớn thậm chí còn biến tiệc chia tay thành các đêm vũ hội kiểu phương Tây, trong đó các con được hóa trang, khiêu vũ, dự tiệc và được bình bầu trở thành chàng trai, cô gái đáng yêu nhất sự kiện.
Từng là một giảng viên, gắn bó lâu năm với môi trường giáo dục, tôi yêu những sự kiện đó. Tôi cũng sẽ rất hạnh phúc được nhìn ngắm con mình vui chơi trong những hoạt động ý nghĩa, nhằm đánh dấu chặng đường quan trọng con đã đi qua.
Nhưng qua những gì quan sát được, đặc biệt là từ câu chuyện của con mình, tôi bắt đầu nghĩ kỹ hơn về cách thức tổ chức các sự kiện nhân danh lợi ích của bọn trẻ.
Lễ tri ân là dịp để học trò nói lời cảm ơn thầy cô. Lễ trưởng thành là sự kiện đánh dấu kết thúc một chặng đường quan trọng, mở ra giai đoạn mới, ở đó các con sẽ dần tự chủ hơn với các quyết định của cuộc đời mình. Trong những hoạt động này, học sinh chính là nhân vật trung tâm, đáng được lắng nghe, đáng được tôn trọng. Thầy cô, cha mẹ và nhà trường chỉ nên là những người đứng sau, hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí “giúp việc” để các con hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Cô giáo của con tôi dường như đã đúng khi bàn bạc, thảo luận, và biểu quyết lấy ý kiến của học sinh. Nhưng tất cả việc này đã được thực hiện một cách nửa vời, hình thức, thậm chí thiếu tôn trọng ý kiến của các con. Cô đưa ra nguyên tắc hỏi ý kiến học sinh, sau đó biểu quyết. Nghĩa là các em được bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của mình. Nhưng khi ý kiến đưa ra trái với mong muốn của cô, các con bị dội lại gáo nước lạnh; gây sự chia rẽ phân biệt, cô lập trong lớp học, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh vào thời điểm thi cử áp lực. Nếu không kịp thời giải quyết, tôi e rằng đây có thể là mầm mống của bạo lực tinh thần, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Năm nào đến tháng 5, các sở giáo dục và đào tạo cũng ban hành văn bản yêu cầu tránh tình trạng phô trương tốn kém trong khi tổ chức lễ tri ân trưởng thành cho học trò cuối cấp. Ngành giáo dục nhấn mạnh, các vật dụng, quà tặng cha mẹ, thầy cô phải do các em tự làm, không nặng về giá trị vật chất.
Động thái này xuất phát từ thực trạng nhiều trường học biến hoạt động tri ân, chia tay học trò thành sự kiện của người lớn. Đêm vũ hội được tổ chức để quảng bá danh tiếng, hình ảnh trường học. Lễ tri ân được khuyến khích càng to càng tốt nhằm phục vụ một “cuộc đua ngầm” giữa các giáo viên, các lớp…
Sẽ là vô nghĩa nếu lễ tri ân thầy cô và cha mẹ không xuất phát từ tấm lòng và trái tim chân thật của học trò. Sẽ là hình thức nếu ý kiến của những đứa trẻ đã 18 tuổi, ít nhất, không được lắng nghe ngay trong lễ trưởng thành của chúng.
Tác giả: Ông Trần Phú Dũng, thạc sỹ Luật, có hơn 20 năm kinh nghiệm công tác trong ngành ngân hàng. Ngoài công việc chuyên môn, ông thường chia sẻ góc nhìn cá nhân về các vấn đề đời sống, xã hội với mong muốn góp phần lan tỏa những giá trị tích cực và suy nghĩ sâu sắc đến cộng đồng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!