Một nhóm người biểu tình đã có mặt ở bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ vào hôm 15.5, khi các thẩm phán nghe lập luận về lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế quyền công dân theo nơi sinh.
Động thái này có thể dẫn đến một thay đổi lớn cách hiểu lâu nay về Hiến pháp của Mỹ và ảnh hưởng đến hàng nghìn trẻ sơ sinh được sinh ra ở nước này mỗi năm.
Tổng cố vấn Mỹ D. John Sauer đã bảo vệ quan điểm của chính quyền: “Lệnh này phản ánh ý nghĩa ban đầu của Tu chính án thứ 14, bảo đảm quyền công dân cho con cái của những người nô lệ trước đây, không phải cho người nước ngoài bất hợp pháp hoặc du khách tạm thời”.
Được ký vào ngày đầu tiên trở lại vị trí tổng thống, lệnh hành pháp của ông Trump chỉ đạo các cơ quan liên bang từ chối công nhận quyền công dân của trẻ em sinh ra tại Mỹ nếu không có cha hoặc mẹ là công dân Mỹ hoặc có thẻ xanh.

Bà Olga Urbina bế con đi biểu tình chống sắc lệnh hạn chế quyền công dân theo nơi sinh của Tổng thống Mỹ Donald Trump
ẢNH: REUTERS
Thẩm phán cấp tiến Sonia Sotomayor trong phiên điều trần cho rằng lệnh này vi phạm nhiều tiền lệ của Tòa án Tối cao liên quan đến quyền công dân: “Nếu chúng ta sợ rằng, hoặc thậm chí thoáng có ý nghĩ rằng đây là hành động hành pháp bất hợp pháp, rằng chỉ có Quốc hội mới là người quyết định quyền công dân, chứ không phải bên hành pháp. Nếu chúng ta tin vào điều đó, tại sao chúng ta lại để cho vô số người phải chịu hậu quả từ điều mà chúng ta xem là hành động hành pháp bất hợp pháp, cũng bất hợp pháp chẳng kém gì một lệnh hành pháp tước quyền sở hữu súng của công dân”.
Điều khoản về quyền công dân của Tu chính án thứ 14 nêu rõ rằng tất cả “những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân Mỹ…”
Nguyên đơn lập luận rằng chỉ thị của ông Trump vi phạm tu chính án trên.
Tổng chưởng lý tiểu bang Washington Nicholas Brown đã phát biểu với các phóng viên sau cuộc tranh luận.
Ông Brown cho biết: “Sẽ có những người không chỉ mất đi các quyền, lợi ích, đặc quyền và danh dự của một người Mỹ, mà họ còn không có bất kỳ lợi ích nào và có thể trở thành người vô quốc tịch. Chúng ta phải làm gì với những đứa trẻ đó? Làm thế nào để chúng ta giải quyết những vấn đề mà những người như vậy đang phải đối mặt?”
Các thẩm phán chủ yếu tập trung vào yêu cầu khẩn cấp của chính quyền ông Trump nhằm thu hẹp các lệnh cấm do các thẩm phán liên bang ban hành tại các tiểu bang nhằm ngăn chặn lệnh của tổng thống.
Các thẩm phán bảo thủ tại tòa án dường như sẵn sàng hạn chế khả năng của các thẩm phán tòa án cấp dưới trong việc ban hành lệnh cấm phổ quát. Nhưng họ cũng tỏ ra do dự trong việc đưa ra phán quyết mà không đi sâu hơn vào bản chất pháp lý của lệnh của ông Trump.
Sau hơn hai giờ, vẫn chưa rõ Tòa án Tối cao sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.
Trong số 9 thẩm phán Tòa án Tối cao, có 9 vị theo hướng bảo thủ, trong đó có ba thẩm phán được ông Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên.