Nhiều năm qua, để tiết kiệm điện, nhất là trong việc sử dụng máy lạnh, lãnh đạo doanh nghiệp luôn phổ biến và nhắc nhở đến từng nhân viên phải sử dụng điện hợp lý và tiết kiệm. Mọi người đều xây dựng ý thức tiết kiệm nguồn điện năng quý giá và có hạn, như tiết kiệm nguồn điện năng ở chính nhà mình.

Định kỳ, công ty tôi đều thường xuyên gọi thợ đến kiểm tra, bảo dưỡng vệ sinh dàn máy lạnh
Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC
Mọi người không được để nhiệt độ máy lạnh quá lạnh vào buổi sáng, khi thời tiết ngoài trời mát mẻ thì điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp hoặc chỉ sử dụng hoàn toàn quạt máy. Khi không còn ai trong phòng (đi họp, dự hội nghị…) thì đèn chiếu sáng, máy tính phải tắt hết, nhiệt độ máy lạnh trong phòng luôn ở mức 27 – 28 độ C. Định kỳ, kêu thợ đến kiểm tra, bảo trì, vệ sinh hệ thống máy lạnh tất cả các phòng ban…
Đi đôi với việc tiết kiệm, việc sử dụng điện cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Quan điểm của ban lãnh đạo quán triệt: “Tiết kiệm điện là chủ trương số 2, còn việc sử dụng điện đảm bảo an toàn luôn là số 1”.
Bố trí cán bộ theo dõi, thường xuyên kiểm tra an toàn nguồn điện
Thực tế hiện nay, có không ít các vụ cháy nổ xảy ra tại các cơ quan, doanh nghiệp do chập điện, do sử dụng nguồn điện không đảm bảo an toàn, có thể gây ra hậu quả và thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản.
Nguyên nhân gây cháy nổ xuất phát từ sự chủ quan, lơ là hoặc chưa coi trọng công tác an toàn trong việc sử dụng nguồn điện năng. Không ít các vụ cháy nổ thương tâm xảy ra có thể phòng ngừa kịp thời nếu doanh nghiệp coi trọng công tác an toàn trong việc sử dụng điện.

Diễn tập phòng chống cháy nổ tại Điện lực Bình Phú (thuộc EVNHCMC)
Ảnh: EVNHCMC
“Rút kinh nghiệm” từ các vụ cháy nổ nghiêm trọng, doanh nghiệp luôn bố trí cán bộ làm nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra an toàn nguồn điện. Hằng ngày nhắc nhở, hằng tuần đi kiểm tra, ghi nhật ký biên bản trong việc sử dụng nguồn điện. Kiểm tra các thiết bị điện trong phòng như ổ cắm, phích điện, đường dây dẫn điện, khoảng cách giữa nguồn điện dẫn nhiệt và chất dễ cháy…
Nếu phát hiện nhân viên, phòng ban nào sử dụng điện chưa đảm bảo an toàn thì nhắc nhở “ngay và luôn”, lập biên bản, hạ điểm thi đua, không xét khen thưởng danh hiệu “An toàn lao động”, “An toàn phòng chống cháy nổ”. Định kỳ, kiểm tra và thay thế thiết bị điện nếu có dấu hiệu hư hỏng.
Các phòng ban đều gắn cầu dao điện riêng, trước khi ra về kiểm tra và cúp cầu dao điện. Tại các tầng lầu hành lang còn gắn thiết bị điện dự phòng và liên tục sạc, khi cúp điện thì đèn dự phòng sẽ tự động chiếu sáng, nhất là vào buổi tối nếu không may xảy ra sự cố.

Thiết bị đèn chiếu sáng dự phòng được gắn tại hành lang các tầng lầu làm việc ở Công ty CP ĐT và XD công trình 3 (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) – nơi tôi đang công tác
Ảnh: NGUYỄN ĐƯỚC
Nếu phát hiện nguồn điện có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhân viên, các phòng ban phải nhanh chóng báo cáo về văn phòng để xử lý kịp thời hoặc sửa chữa ngay. Ai cũng ý thức, tuân thủ an toàn khi sử dụng điện.
Thiết nghĩ, sử dụng nguồn điện hợp lý, tiết kiệm song song với việc sử dụng điện an toàn cũng là cách đảm bảo nguồn điện năng được sử dụng một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo môi trường sống trong lành và an toàn hơn.
130 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 “An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia” năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.
Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.
Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.
Gửi bài qua email: [email protected].
Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM.
(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn
