Phòng không chắp vá của Houthi đe dọa tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ ra sao?

Phòng không chắp vá của Houthi đe dọa tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ ra sao?

bởi

trong

Báo The New York Times mới đây có bài viết cho rằng các tiêm kích F-35 và F-16 của Mỹ đã suýt bị lực lượng phòng không Houthi bắn hạ trong Chiến dịch Kỵ sĩ gan dạ (Rough Rider) được khởi động từ ngày 15.3.

“Trong 30 ngày đầu tiên, Houthi bắn hạ 7 máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ (khoảng 30 triệu USD mỗi chiếc), gây ảnh hưởng năng lực của Bộ Chỉ huy Trung tâm trong việc theo dấu và tấn công nhóm vũ trang. Nhiều tiêm kích F-16 và F-35 của Mỹ gần bị phòng không Houthi đánh trúng, đặt ra khả năng thật sự về thương vong của Mỹ, nhiều quan chức Mỹ cho biết”, theo The New York Times.

Phòng không chắp vá của Houthi đe dọa tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ ra sao?

Chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến F-35 của quân đội Mỹ

ẢNH: KHÔNG QUÂN MỸ

Chuyên san quân sự The War Zone ngày 13.5 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết thêm rằng vũ khí của Houthi đã áp sát đến mức F-35 phải cơ động để né tránh. Vị quan chức nói rằng không có dấu hiệu cho thấy máy bay F-16 bị nhắm đến và phải cơ động, nhưng cũng lưu ý việc đó “không đồng nghĩa điều này đã không xảy ra”.

Không rõ các vụ việc xảy ra ngày nào và phiên bản nào của F-35 bị nhắm đến. Các tiêm kích F-35A của Mỹ đã được đưa đến Trung Đông từ tháng 3, song tàu sân bay USS Carl Vinson tại khu vực cũng mang theo các máy bay F-35C.

Bom lượn tối tân StormBreaker của Mỹ có thể rơi vào tay Houthi, Iran?

Houthi có vũ khí gì?

Theo The War Zone, năng lực phòng không của Houthi dù còn sơ khai nhưng cũng đặt ra thách thức thật sự cho máy bay chiến đấu Mỹ bởi thành phần của lực lượng tại Yemen gồm nhiều hệ thống cơ động cao, có thể xuất hiện từ bất cứ đâu, phá hỏng kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng của máy bay Mỹ.

Bộ phận nòng cốt trong kho vũ khí phòng không của Houthi là các cảm biến hồng ngoại dùng để phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu, cũng như thiết bị tìm kiếm mục tiêu được lắp trong tên lửa đánh chặn.

Theo The War Zone, Houthi có kho tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại R-73 và R-27, đã được điều chỉnh để làm tên lửa đất đối không. Houthi gọi các tên lửa này là Thaqib-1 và Thaqib-2. Lực lượng này cũng có dòng tên lửa đất đối không đầu dò hồng ngoại Saqr, dựa trên mẫu do Iran thiết kế gọi là tên lửa 385. Tên lửa này có thể khả năng bay lượn chờ mục tiêu trong một khu vực trước khi tấn công.

 - Ảnh 2.

Tên lửa đất đối không Barq của Houthi

ẢNH: AFP

Khác với radar chủ động, các cảm biến hồng ngoại hoạt động thụ động, nghĩa là chúng không phát ra tín hiệu mà các hệ thống tác chiến điện tử và cảm biến cảnh báo sớm trên F-35 có thể phát hiện để cảnh báo cho phi công. Việc này đặt ra thách thức cho các máy bay tàng hình lẫn không tàng hình khi họ không thể biết mình đang bị theo dõi hay bị khóa mục tiêu.

F-35 có hệ thống AN/AAQ-37 gồm 6 camera hồng ngoại bố trí trên máy bay, có thể phát hiện tên lửa đang bay đến. Tuy nhiên, thời gian phản ứng có thể rất ngắn, nhất là nếu không có cảnh báo sớm.

Việc kết hợp các cảm biến hồng ngoại với tên lửa đất đối không dẫn đường bằng radar còn có thể giúp vụ phóng của Houthi không bị phát hiện cho đến khi sắp tiếp cận mục tiêu. Việc này giảm thời gian để phản ứng của máy bay mục tiêu.

Mặt khác, các hệ thống tên lửa dẫn đường bằng radar được lắp trên xe tải cơ động cao của Houthi là vấn đề đáng ngại đối với máy bay Mỹ. Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ Jeffrey Kruse trong một cuộc điều trần hồi tháng 3 cho biết Houthi đã sử dụng các hệ thống tên lửa đất đối không cơ động dẫn đường bằng radar 2K12 Kub thời Liên Xô để chống lại máy bay Mỹ.

Hệ thống này được cho là chiếm đa số trong lực lượng phòng không của Houthi, có thể dễ dàng xuất hiện đột ngột để tấn công. Điều này gây thách thức cho việc chủ động tấn công và tính toán đường rút an toàn và hiệu quả nhất của Mỹ.

 - Ảnh 3.

Máy bay F-35A thả bom trong một cuộc thử nghiệm

ẢNH: KHÔNG QUÂN MỸ

Về phần F-35, mặc dù được thiết kế tối ưu hóa để đánh bại các radar kiểm soát hỏa lực tần số cao, phần đuôi của máy bay có diện tích phản xạ radar lớn hơn, có thể dễ bị phát hiện và công kích.

Ngay cả khi có cấu hình tàng hình mạnh nhất, F-35 cũng phải mở khoang vũ khí ở bụng máy bay để triển khai tên lửa không đối không và vũ khí không đối đất, mở ra thời cơ cho radar đối phương phát hiện ở khoảng cách xa hơn nhiều.

Ngoài vụ F-35 suýt bị đánh trúng, quân đội Mỹ cũng đã chịu nhiều thiệt hại trong chiến dịch chống Houthi tại Trung Đông, gồm hai máy bay chiến đấu F/A-18 bị rơi từ tàu sân bay USS Harry S. Truman xuống biển. Trong đó, có một vụ được cho là xảy ra trong lúc tàu sân bay rẽ đột ngột để né hỏa lực của Houthi.

Theo NBC News, chiến dịch Kỵ sĩ gan dạ từ tháng 3 đã tiêu tốn của Mỹ hơn 1 tỉ USD, gồm hàng ngàn quả bom và tên lửa được sử dụng. Chiến dịch dừng lại vào thượng tuần tháng 5 sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận ngừng bắn với Houthi.