Sáng 17.5, với 416/443 đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Tại nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội quyết định giảm tổng mức chi cho việc xây dựng các luật, nghị quyết, điều ước quốc tế khoảng 30% so với đề xuất trước đó.

Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, tiếp thu dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua
ẢNH: GIA HÂN
Theo đó, tổng mức chi cho một bộ luật mới giảm từ 20 tỉ đồng xuống còn 14 tỉ đồng; một luật giảm từ 18 tỉ đồng xuống còn 12,5 tỉ đồng; một bộ luật sửa đổi giảm từ 10 tỉ đồng xuống còn 7 tỉ đồng…
Riêng đối với tổng mức chi cho xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua có tăng lên so với đề xuất trước đó. Cụ thể, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được tăng từ 200 triệu đồng lên 250 triệu đồng, còn quyết định của UBND thì giữ nguyên 100 triệu đồng.
Cùng đó, Quốc hội cũng giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải thích, tổng mức khoán chi cho các dự án xây dựng pháp luật là tổng mức tối đa ngân sách chi trả nếu thực hiện đầy đủ, trọn vẹn các hoạt động trong quy trình xây dựng luật.
Định mức cụ thể cho từng hoạt động sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định. Theo đó, hoạt động nào không thực hiện (chẳng hạn văn bản được xây dựng trong trường hợp cấp bách thì không phải đánh giá tác động của chính sách; văn bản được xây dựng trong trường hợp đặc biệt có thể không phải thẩm định) thì ngân sách không chi trả theo định mức cho hoạt động đó.
Dù vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu cho rằng tổng mức khoán chi cho dự án luật là rất cao, Chính phủ thống nhất chỉnh lý theo hướng cơ bản giảm tổng định mức khoảng 30% cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế của cơ quan ở trung ương; tăng định mức kinh phí cho xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh; giữ nguyên định mức cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường bấm nút thông qua các nghị quyết tại phiên họp sáng 17.5
ẢNH: GIA HÂN
Mở rộng đối tượng cán bộ xây dựng pháp luật được tăng lương gấp 2
Cũng theo ông Ninh, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách và lãnh đạo, công chức trực tiếp giúp việc thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh.
Tiếp thu ý kiến, Chính phủ bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% hệ số lương hiện hưởng là đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.
Tuy nhiên, Chính phủ chưa xem xét, bổ sung ngay một số đối tượng khác như đề nghị vì đây là những đối tượng cũng đã được đưa ra thảo luận trong quá trình xây dựng nghị quyết nhưng chưa đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan, có thể dẫn tới việc so sánh, mở rộng hơn đối tượng thụ hưởng ở nhiều cơ quan T.Ư.
Do vậy, ông Ninh cho biết, dự thảo nghị quyết hoàn thiện theo hướng giao cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung sau trên cơ sở bảo đảm đúng đối tượng theo quy định.
Trường hợp các đối tượng chưa được xem xét hỗ trợ hằng tháng nhưng có thực hiện nhiệm vụ trong quy trình xây dựng pháp luật thì vẫn nhận hỗ trợ theo mức khoán chi, thù lao vượt trội trong việc tham gia xây dựng từng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.