
Chủ tiệm hàn than phiền thanh niên này thiếu kiên nhẫn, khi tôi chủ động tìm hiểu thì biết lý do.
Một đêm muộn cách đây vài năm, tôi kéo vali ra khỏi sân bay, đứng chờ hoài không gọi được taxi. Ôtô công nghệ cũng không nhận cuốc. Cuối cùng, tôi thử đặt xe ôm công nghệ và may mắn có người nhận.
Người đến đón là một thanh niên khoảng gần 30 tuổi, dáng người gầy, mặc chiếc áo khoác đồng phục đã bạc màu. Nhìn chiếc áo bạc màu, tôi bỗng nghĩ đến sức khỏe, cuộc sống và tương lai của những người mưu sinh bằng nghề này.
Cậu khá vui vẻ, thật thà, nói chạy xe cũng tạm đủ sống nhưng thu nhập không đều. Ngày nào nổ nhiều cuốc thì được vài trăm, có ngày chẳng được trăm. Tôi ngỏ ý giới thiệu cậu một công việc ổn định hơn, làm thợ hàn ở xưởng của người quen.
Cậu đồng ý. Nhưng chỉ sau ba tuần, bạn tôi báo: “Nghỉ rồi, nói không hợp”. Và kèm theo một câu kết luận: “Lứa trẻ bây giờ, chán là nghỉ, chẳng kiên nhẫn làm gì được lâu.”
Tôi hơi áy náy, liền gọi lại hỏi cậu cho rõ. Thì ra cậu không bỏ ngang vì chán hay thiếu kiên nhẫn. Môi trường làm việc có vẻ khắc nghiệt, ông chủ hứa dạy nghề nhưng toàn bắt sai vặt, hay quát mắng, chửi thề, lương bổng thì không rõ ràng. Ăn trưa phải đợi xong hết việc, làm 3 tuần rồi mà chưa được cầm hàn lấy một lần. Trong khi bao nhiêu chi phí sinh hoạt cần chi trả.
Bạn tôi có lý, nghề nào cũng cần kiên trì, học nghề không phải ngày một ngày hai. Nhưng cậu thanh niên cũng vậy, tôn trọng người học việc, môi trường làm việc văn minh, minh bạch về quyền lợi là điều kiện cần để một người trẻ có thể kiên trì.
Câu chuyện ấy khiến tôi suy nghĩ, liệu có phải giới trẻ bây giờ cả thèm chóng chán, hay vì họ đang thiếu một cái gì đó để nâng đỡ?
Chúng ta thường trách người trẻ khi họ bước vào thị trường lao động, nhưng ít khi nhìn vào phần gốc: Họ đã được trao cơ hội đúng nghĩa chưa? Môi trường có khuyến khích sự gắn bó lâu dài không? Được trả lương đúng, được hướng dẫn tử tế, có tiếng nói, có hy vọng?
Việc giới trẻ từ bỏ những công việc tay nghề, như hàn, cơ khí, mộc… không chỉ là vấn đề của người trẻ. Đó là hồi chuông cảnh báo về sự hụt hơi của các ngành nghề kỹ thuật trong hệ thống kinh tế hiện đại.
Trong khi thị trường lao động vẫn đang thiếu trầm trọng thợ lành nghề, thì người trẻ vẫn đổ xô vào các nghề tự do, bấp bênh, như xe ôm công nghệ, shipper vì ít nhất họ cảm thấy có quyền chọn lựa, làm chủ thời gian, và được tôn trọng ở mức tối thiểu.
Chúng ta không thể kêu gọi người trẻ thế này, thế nọ bằng nhãn quan của một người đã có công ăn chuyện làm ổn định. Nếu chưa tạo ra một môi trường đáng để họ thay đổi. Thay vì chỉ phê phán, đã đến lúc người lớn cần nhìn lại cách chúng ta đang đối xử với họ, trong môi trường lao động.
Ai cũng có lý do. Và nếu muốn người trẻ gắn bó với nghề, trước hết, chúng ta phải cho họ một lý do đủ thuyết phục để rời bỏ cái mà chúng ta cho là không tốt.
Vài năm đã trôi qua, mùa dịch cũng đã lùi xa bốn năm, cậu thanh niên ấy có còn chạy xe ôm công nghệ không?
Hồng Đức