
Người mẫu Đức Heidi Klum diện thiết kế gợi hình bông hoa đang nở, với các tầng vải xếp lớp như cánh hoa bung tỏa, tạo thành phần tà dài phủ kín thảm đỏ vào ngày khai mạc Liên hoan phim Cannes – Ảnh: AFP
Tháng 5 hằng năm, thảm đỏ Liên hoan phim Cannes thường gây sốt vì loạt trang phục táo bạo nhiều hơn là các phim được trình chiếu.
Thế nhưng năm nay, không cần đợi đến ngày khai mạc 13-5, chủ đề thời trang tại Cannes sớm dấy lên nhiều tranh luận sau khi ban tổ chức ra quy định trang phục mới, nhấn mạnh tính kín đáo và yếu tố thuận lợi cho công tác tổ chức.
Dẫu vậy, một số gương mặt nổi bật vẫn chọn cách phớt lờ các quy tắc này, tiếp nối truyền thống nổi loạn lâu đời của liên hoan phim, vốn được khơi nguồn từ những nghệ sĩ cá tính như Pablo Picasso.
Marilyn Monroe biến váy khỏa thân thành hiện tượng toàn cầu
Ban tổ chức nêu rõ: “Vì lý do thuần phong mỹ tục, mọi hình thức khỏa thân đều bị cấm trên thảm đỏ cũng như ở bất kỳ khu vực nào của liên hoan”.
Quy định này nhắm trực tiếp đến xu hướng naked dress (váy khỏa thân) – những trang phục có kiểu dáng hở lưng, hở vai, cắt xẻ hoặc sử dụng các loại vải mỏng, trong suốt để tạo hiệu ứng trần như không mặc.
Gần nhất là chiếc váy khỏa thân của Bianca Censori (vợ rapper Kanye West) tại lễ trao giải Grammy hồi đầu năm nay.

Bianca Censori cởi chiếc áo khoác lông khoe thân trong trang phục hoàn toàn trong suốt, phô diễn toàn bộ da thịt trên thảm đỏ Grammy 2025 – Ảnh: AFP
Tuy nhiên khái niệm “váy khỏa thân” không phải lúc nào cũng gắn liền với sự phô bày da thịt lộ liễu như hiện nay.
Theo nhà nghiên cứu thời trang Kimberly Chrisman-Campbell trong cuộc phỏng vấn với BBC Culture năm 2023, khi xuất hiện vào những năm 1930, thuật ngữ này dùng để chỉ những chiếc váy không dây, vốn từng bị xem là táo bạo quá mức lúc bấy giờ.
Bản chất của váy khỏa thân không chỉ nằm ở sự mỏng manh của chất liệu, mà còn ở hiệu ứng thị giác khiến người mặc trông như thể đang không mặc gì, hoặc ít nhất là tạo ảo giác cho người đối diện.
Một trong những người đầu tiên lăng xê phong cách này là minh tinh Mỹ Jean Harlow trong bộ phim Bombshell (1933), với chiếc đầm lụa cổ yếm màu kem ôm sát đường cong cơ thể.

Chiếc váy 5 triệu USD được Marilyn Monroe mặc vào năm 1962 – Ảnh: Daily Mail
Thế nhưng người biến váy khỏa thân thành hiện tượng toàn cầu lại chính là Marilyn Monroe. Năm 1962, bà mặc một chiếc váy khỏa thân đính kim sa lấp lánh, tiệp màu da do nhà thiết kế Pháp-Mỹ Jean Louis thực hiện, để hát chúc mừng sinh nhật Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Madison Square Garden.
Điều thú vị là chiếc váy bị xem là phản cảm theo tiêu chuẩn Cannes ngày nay, lại từng được ngợi ca như biểu tượng của sức mạnh quyến rũ trong thời đại của Marilyn Monroe.
Tờ Daily Mail từng dẫn lời nhà thiết kế Bob Mackie – cộng sự của Jean Louis rằng: “Chiếc váy tạo ra một ảo ảnh: bạn nghĩ rằng mình đang thấy điều gì đó, nhưng thực ra không phải. Đó là sự đơn giản kỳ diệu, nhưng đầy quyền lực”.

Siêu mẫu Bella Hadid gây sốt khi diện chiếc váy hở lưng, cổ đổ sâu và xẻ đùi cao đến hông vào ngày khai mạc Liên hoan phim Cannes năm nay – Ảnh: AFP
Nhiều ngôi sao sau này kế thừa phong cách này như Beyoncé, Emily Ratajkowski, Kate Moss… Nếu phải chọn ra biểu tượng đương đại của kiểu váy này tại Cannes, thì đó phải là Bella Hadid.
Siêu mẫu người Mỹ nhiều lần gây bão thảm đỏ với những bộ cánh táo bạo. Năm nay, cô diện một thiết kế Saint Laurent màu đen, hở lưng, cổ đổ sâu và xẻ đùi cao đến hông. Dù “lách luật” tinh tế, bộ váy vẫn lập tức gây sốt truyền thông.
Váy tà dài là xu hướng thời Nữ hoàng Victoria
Quy định khác ít gây tranh cãi hơn là cấm các loại váy có tà dài. Ban tổ chức cho biết: “Những trang phục cồng kềnh, đặc biệt là váy có phần tà quá lớn, gây cản trở cho việc di chuyển của khách mời và làm phức tạp khâu sắp xếp chỗ ngồi trong rạp chiếu”.
Nguồn gốc của phần tà dài bắt nguồn từ gu thẩm mỹ thời Nữ hoàng Victoria, khi trang phục được thiết kế để giữ gìn sự đoan trang, kín đáo cho phụ nữ – càng dài càng tốt. Thậm chí đến cả đôi tay cũng phải che kín bằng găng tay.

Những chiếc váy có tà cồng kềnh là xu hướng thời trang kinh điển trong thời Nữ hoàng Victoria – Ảnh: Pinterest
Tuy nhiên sự bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày khiến các nhà thiết kế dần tinh giản phom dáng, mở đường cho sự xuất hiện của trào lưu chân váy bó hẹp (hobble skirt) vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đến nay tà váy dài vẫn tồn tại, nhưng chủ yếu trong trang phục cưới.
Dù Liên hoan phim Cannes 2025 không nêu rõ tà váy dài bao nhiêu là “quá mức”, nhưng quy định này đã đủ nghiêm ngặt để nữ diễn viên kiêm giám khảo của năm nay – Halle Berry phải bỏ bộ váy ban đầu do nhà thiết kế Ấn Độ Gaurav Gupta thực hiện.
Tại buổi họp báo ban giám khảo, cô chia sẻ: “Tôi có một chiếc váy tuyệt đẹp của Gupta định mặc tối nay, nhưng không thể mặc được vì phần tà quá lớn”.

Vạn Thiên Huệ phá luật của Cannes, diện váy dài bồng bềnh để chơi trội – Ảnh: AFP
Dù vậy, ngày khai mạc vẫn không hoàn toàn vắng bóng tà dài. Siêu mẫu người Đức Heidi Klum diện một thiết kế hoa ruffles từ vải organza của Elie Saab với phần tà dài 3m.
Trong khi đó nữ diễn viên Trung Quốc Vạn Thiên Huệ cũng gây chú ý với chiếc váy cúp ngực tà dài xếp tầng màu trắng trông như những đám mây, đến từ thương hiệu Wang Feng Couture.
Những quy định trên của Cannes sẽ là thách thức cho các đội ngũ stylist buộc phải khám phá những chất liệu, kiểu dáng và ý tưởng mới mẻ hơn.
Và có lẽ, trong bối cảnh đó, thảm đỏ Cannes không vì thế mà mất nhiệt, vẫn bùng nổ – chỉ là theo một cách khác, tinh tế và bản lĩnh hơn.