
Squid Game là một trong những series phim Hàn Quốc thành công nhất do Netflix sản xuất tính đến thời điểm hiện tại – Ảnh: Korea JoongAng Daily
Theo Korea JoongAng Daily, năm 2025 đánh dấu nửa thập kỷ Netflix gia nhập đường đua phim Hàn. Chỉ sau 5 năm, ít ai ngờ rằng nội dung do Hàn Quốc sản xuất lại đạt thành tựu vượt bậc trong thời gian ngắn như vậy.
Netflix chắp cánh cho các phim Hàn Quốc vươn xa, không chỉ với các phim có kịch bản gốc mà còn giúp các bộ phim từ đài truyền hình nội địa vươn ra thế giới. Có thể nói, nếu không có Netflix, Queen of tears hay Crash landing on you không trở thành hiện tượng toàn cầu.
Tuy nhiên, Netflix cũng làm xáo trộn ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc. Chi phí sản xuất tăng vọt khiến các nhà sản xuất và nhà phân phối nội địa lao đao. Sự thống trị của gã khổng lồ này tạo ra một cấu trúc gần như độc quyền làm cho các dự án không có sự tham gia của Netflix khó trở nên nổi tiếng.
Netflix tạo cú hích lớn cho nội dung Hàn Quốc
Trước khi Netflix gia nhập thị trường, nội dung Hàn Quốc thường được xem miễn phí hoặc qua các kênh phim lậu. Ngay cả khi thu hút sự chú ý toàn cầu, phim Hàn cũng chỉ giới hạn phạm vi ở châu Á. Làn sóng Hallyu không thể tiếp cận được tệp khán giả phương Tây.
Tuy nhiên, vào tháng 1-2019, một cột mốc mới trong lịch sử nội dung Hàn Quốc với việc phát hành tác phẩm gốc đầu tiên của Netflix – phim zombie Kingdom. Bộ phim nhanh chóng tạo cơn sốt và nhận phản hồi tích cực trên toàn thế giới.

Netflix chính thức gia nhập đường đua phim Hàn vào tháng 1-2019 với Kingdom – Ảnh: Netflix
Kingdom được tờ The New York Times chọn là một trong những phim quốc tế hay nhất năm 2019 và là phim truyền hình hay nhất năm 2020. Tờ báo cũng gọi đây là phim “đưa Hàn Quốc lên hàng đầu trong thể loại zombie hành động”.
Thành công của Kingdom tạo cú hích mạnh mẽ cho nội dung Hàn Quốc, đồng thời giúp thể loại này mở rộng ra ngoài các thị trường truyền thống ở nước ngoài như Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo báo cáo của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, số lượng các bộ phim truyền hình gốc Hàn Quốc do các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu gồm Netflix và Disney+ sản xuất đã tăng vọt từ 3 phim vào năm 2019 lên 22 phim vào năm 2023.

All of us are dead là phim Hàn lấy đề tài zombie tiếp theo của Netflix sau Kingdom – Ảnh: Netflix
Năm 2023, Netflix công bố kế hoạch đầu tư 2,5 tỉ USD vào nội dung Hàn Quốc từ 2023 đến 2027, cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các sản phẩm truyền hình quốc gia này.
Không chỉ các tác phẩm gốc của Netflix hưởng lợi từ sự đầu tư này. “Ông lớn” này còn đóng vai trò như một cánh cổng quan trọng cho các truyền hình địa phương, cung cấp cho họ một nền tảng toàn cầu để có thể tiếp cận lượng khán giả lớn hơn.
Queen of tears là ví dụ điển hình cho sự nổi tiếng vượt biên giới nhờ Netflix dù vốn dĩ chỉ là phim phát hành qua đài cáp.

Queen of tears là thành công giữa việc kết hợp giữa đài địa phương và nền tảng toàn cầu – Ảnh: tvN
Bộ phim duy trì vị trí trong top 10 toàn cầu của Netflix trong 15 tuần liên tiếp, tích lũy được 43 triệu giờ xem, lọt top phim Hàn có lượt xem cao nhất mọi thời đại trên nền tảng này.
Sau Netflix, Disney+ và Apple TV nhanh chóng nhận ra sức hút của thị trường Hàn Quốc. Họ bắt đầu đầu tư vào các dự án phim Hàn với những bộ phim nổi bật như Moving, Light shop, Pachinko…
Cái giá của tham vọng toàn cầu
Dù được ca ngợi vì giúp nội dung Hàn Quốc vươn xa, Netflix cũng bị chỉ trích vì đẩy chi phí sản xuất tăng cao, gây khó khăn cho các công ty sản xuất vừa và nhỏ cũng như các đài truyền hình nội địa.
Báo cáo của Korea Joong Ang Daily chỉ ra rằng chi phí sản xuất trung bình đã chạm mốc 1 tỉ won mỗi tập, thậm chí có dự án lên đến 3 tỉ won. Các dự án lớn của Netflix còn vượt xa con số này khi mùa 2 và 3 của Squid Game tiêu tốn 100 tỉ won, Gyeongseong Creature ngốn 70 tỉ won và Khi cuộc đời cho bạn quả quýt khoảng 60 tỉ won.

Khi cuộc đời cho bạn quả quýt ngốn 60 tỉ won kinh phí của Netflix – Ảnh: Netflix
Chi phí tăng cao còn làm thu hẹp thị trường phim nội địa. Theo Hiệp hội Sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc, số lượng phim truyền hình nội địa giảm từ 141 phim năm 2022 xuống 123 phim năm 2023 và chỉ còn khoảng 100 phim năm 2024.
Kỳ vọng của khán giả về các sản phẩm hoành tráng chỉ khả thi với ngân sách lớn ngày càng cao khiến các đài địa phương, vốn thiếu nguồn lực phải sản xuất ít phim hơn. Nhiều đạo diễn tên tuổi như Lee Byoung Heon (Extreme Job) chuyển sang làm nội dung ngắn, đăng tải phim lên YouTube.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Netflix Hàn Quốc Kang Dong Han lại cho rằng chi phí tăng không hẳn là tiêu cực.
“7, 8 năm trước phim Hàn chỉ được xem miễn phí ở nước ngoài. Giờ đây, chúng đã trở thành nội dung cao cấp mà khán giả sẵn sàng trả tiền. Đầu tư là điều tất yếu để đáp ứng kỳ vọng này” – ông nói.

Squid Game mùa 3 hiện đang là series phim được chờ đợi nhiều nhất của nền tảng này trong năm 2025 – Ảnh: Netflix
Tương tự, giáo sư Lee Sung Min (Đại học Mở quốc gia Hàn Quốc) cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc hiện đang trải qua một giai đoạn chuyển mình trong hệ thống sản xuất phim ảnh, nhằm thích ứng với những thách thức do chi phí ngày càng gia tăng.
“Tôi tin rằng thị trường hiện đang trong quá trình thích nghi. Dĩ nhiên, bất kỳ sự chuyển mình nào cũng đi kèm với những khó khăn nhưng chính trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay sẽ xuất hiện những cách làm sáng tạo và đột phá mới” – giáo sư Lee Sung Min khẳng định.