Tại sao thủy tinh có chì?
TS Vũ Thị Tần cho biết, thủy tinh thông thường chứa oxit của silic, oxit canxi và oxit của natri. Thủy tinh chịu nhiệt thường chứa thêm hợp chất của boron, thường gọi là borosilicate. “Các bạn mua các hộp đựng thức ăn, khay nướng đồ ăn, khay trữ đông, khay hâm nóng thức ăn thì nên chọn thủy tinh borosilicate”, TS tần nói.
TS Tần chia sẻ sở dĩ, nhà sản xuất cho chì (dưới dạng oxit PbO) vào thủy tinh là bởi các lý do sau:
1. Tính thẩm mỹ: Oxit chì làm tăng chiết suất của thủy tinh, khiến thủy tinh lấp lánh và trông sáng hơn.
2. Giá thành sản xuất rẻ: Thủy tinh chì có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn các loại thủy tinh khác, giúp giảm giá thành sản xuất và sản xuất nhanh hơn. Thủy tinh chì mềm hơn và dễ cắt hơn thủy tinh thông thường. Thủy tinh chì có độ nhớt thấp hơn, giúp dễ tạo khuôn hơn.
Nữ tiến sĩ cho biết, ngày xưa, thủy tinh chứa chì rất được ưa chuộng do tính thẩm mỹ, sang trọng như pha lê… Ngày nay, thủy tinh chứa chì ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại số nhỏ đồ gia dụng có thủy tinh chứa chì.

Trong 3 ly này thì ly nhỏ nhất ngoài cùng bên phải là thủy tinh chứa chì (lead glass)
Ảnh: TS Vũ Thị Tần
Cách phân biệt
Cách 1: Ngâm đồ thủy tinh với giấm trong vòng 6 – 12 giờ. Dùng que thử chì (có đầu bông tẩm chỉ thị, loại này có bán trên các sàn thương mại điện tử), nếu đầu bông biến màu thì có chứa chì.
Cách 2: Thủy tinh chứa chì thường rất mỏng, nhưng khá nặng, màu sắc sáng trong rõ nét.
Cách 3: Dùng đèn UV mang lấy ra soi, dưới ánh sáng của tia UV mà thủy tinh đổi màu tím/xanh thì là có chì.
Cách 4: Gõ thủy tinh mà kêu vang như gõ kim loại thì thường thủy tinh có chứa chì.
Lưu ý: Từ cách 2 trở đi là cách nhận diện bên ngoài, mọi người cân nhắc trước khi thử, vì một số chuyên gia về thủy tinh khuyến cáo có thể chưa chuẩn xác 100%.
Để đảm bảo đồ thủy tinh an toàn trước khi sử dụng, có một mẹo nhỏ như sau: Đổ đầy giấm trắng vào bên trong đồ thủy tinh và để yên trong 24 giờ sau đó rửa sạch trước khi dùng. Lý do là bởi phần lớn các phân tử oxit chì (nếu có) sẽ ngấm vào dung dịch có tính axit.
Riêng cá nhân nữ tiến sĩ thì cho rằng hiện tại nhà sản xuất rất thận trọng về việc đưa oxit chì vào thủy tinh, vì họ biết chắc chắn rằng sản xuất ra sẽ khó bán được. Nhiều nhà sản xuất còn dán nhãn thủy tinh không chứa chì (free of lead) để người tiêu dùng yên tâm. Tuy nhiên, chì vẫn có thể có một lượng rất ít do tạp chất trong nguyên liệu đầu vào là từ cát, nguồn đá vôi… Bà nội trợ nên chọn đồ gia dụng thủy tinh chịu nhiệt gốc borosilicate hoặc rõ nguồn gốc xuất xứ.