Rút BHXH 1 lần: So sánh luật BHXH 2014 và luật BHXH mới

Rút BHXH 1 lần: So sánh luật BHXH 2014 và luật BHXH mới

bởi

trong

Rút BHXH 1 lần là việc người lao động nhận trợ cấp BHXH bằng tiền 1 lần, thay vì chờ hưởng lương hưu định kỳ.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH (cũ), trong giai đoạn 2016 – 2022, Việt Nam có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH 1 lần, với tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, trong khi đó, tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ 5 – 6%. Đáng lưu ý, có tới 67% số người hưởng có dưới 5 năm đóng BHXH.

Việc rút BHXH 1 lần ồ ạt được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” cho cả người lao động và hệ thống an sinh. Nhà nước đã nhận định rằng nhiều người rút 1 lần sẽ mất cơ hội hưởng lương hưu và các phúc lợi đi kèm, gây áp lực lên an sinh xã hội khi họ về già.

Do đó, luật BHXH sửa đổi 2024 đã có nhiều thay đổi liên quan nội dung này nhằm hướng người lao động ở lại hệ thống lâu dài.

Rút BHXH 1 lần: So sánh luật BHXH 2014 và luật BHXH mới

Người lao động xếp hàng ở BHXH H.Hóc Môn (TP.HCM) vào năm 2023

ẢNH: NGUYỄN ANH

Quy định cũ về rút BHXH 1 lần (luật BHXH 2014)

Luật BHXH năm 2014 ban đầu đã thu hẹp đáng kể diện hưởng BHXH 1 lần so với luật trước đó. Cụ thể, luật 2014 không cho phép người lao động trong độ tuổi lao động rút BHXH 1 lần sau một năm nghỉ việc như luật cũ 2006, mà chỉ chấp nhận một số trường hợp đặc biệt.

Theo điều 60 của luật BHXH 2014, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, khi có yêu cầu, được giải quyết BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH theo luật định: Nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc trường hợp đặc thù chưa đủ 15 năm đối với nữ cán bộ xã) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai, ra nước ngoài định cư.

Thứ ba, mắc bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, HIV giai đoạn AIDS…

Thứ tư, người lao động thuộc lực lượng vũ trang (quy định tại điểm đ, e khoản 1, điều 2 của luật BHXH 2014, như quân nhân, công an nhân dân) khi xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đáng chú ý, luật 2014 (điều 60) ban đầu không đề cập quyền rút BHXH 1 lần sau 1 năm nghỉ việc với trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Tuy nhiên, do phản ứng của người lao động, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015 cho phép khôi phục quy định này.

Theo Nghị quyết 93, người lao động sau 1 năm nghỉ việc (đối với BHXH bắt buộc) hoặc sau 1 năm không tiếp tục đóng (đối với BHXH tự nguyện), nếu chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.

Quy định này áp dụng chung cho người trong độ tuổi lao động, tạo sự lựa chọn: hoặc bảo lưu thời gian tham gia để chờ hưởng lương hưu, hoặc rút 1 lần nếu không muốn tiếp tục tham gia.

Như vậy, trong giai đoạn 2016 – 2024, về thực tế chính sách, người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có thể đề nghị nhận BHXH 1 lần.

Điều kiện này đã trở thành thông lệ từ 2016 đến nay. Và mỗi năm, có hàng trăm ngàn người rút mỗi năm vì mục đích trước mắt.

Quy định mới về rút BHXH 1 lần (luật BHXH sửa đổi 2024)

Luật BHXH sửa đổi 2024 có hiệu lực từ 1.7.2025 đã thay đổi căn bản chính sách hưởng BHXH 1 lần, theo hướng thắt chặt điều kiện, thu hẹp đối tượng được rút 1 lần.

Rút BHXH 1 lần: So sánh luật BHXH 2014 và luật BHXH mới- Ảnh 2.

Người dân đến một bưu điện tại TP.HCM nhận lương hưu, trợ cấp BHXH

ẢNH: L.T

Cụ thể, điều 70 của luật BHXH 2024 quy định người lao động chấm dứt tham gia BHXH được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH. Đây là điểm mới đáng chú ý. Luật mới giảm số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm (thay vì 20 năm trước đây) nhằm mở rộng độ bao phủ lương hưu.

Vì vậy, trường hợp người đến tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH chưa đủ 15 năm thì được rút BHXH 1 lần. Nếu không rút 1 lần, người lao động có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo điều 23 của luật này như một “lương hưu xã hội” hỗ trợ.

Thứ hai, ra nước ngoài định cư (tiếp tục kế thừa quy định cũ).

Thứ ba, mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS… (tương tự luật cũ).

Thứ tư, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Đây là nhóm đối tượng mới được bổ sung, nhằm mở rộng bảo vệ cho người mất khả năng lao động khi chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Thứ năm, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1.7.2025, sau đó nghỉ việc. Đây là điểm chuyển tiếp quan trọng. Đối với những ai đã tham gia BHXH trước khi luật mới có hiệu lực, sau khi nghỉ việc 12 tháng liên tục, không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện, và có thời gian đóng <20 năm thì vẫn được rút BHXH 1 lần nếu có yêu cầu.

Quy định này kế thừa chính sách hiện hành (theo Nghị quyết 93/2015) cho nhóm lao động cũ, đảm bảo không gây xáo trộn quyền lợi. Tuy nhiên, nó chỉ áp dụng cho thời gian đóng BHXH trước 1.7.2025.

Như vậy, người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1.7.2025 trở đi sẽ không được phép rút BHXH 1 lần sau 1 năm nghỉ việc như trước đây.

Lực lượng lao động mới chỉ được giải quyết BHXH 1 lần trong các trường hợp hạn chế là đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc suy giảm khả năng lao động nặng.

Nói cách khác, lựa chọn “rút ngay 1 lần sau khi nghỉ việc” sẽ không tồn tại đối với thế hệ lao động mới theo luật 2024.

Thay vào đó, người lao động buộc phải bảo lưu thời gian đóng để chờ đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp khi về già, trừ phi rơi vào trường hợp đặc biệt nêu trên.