Ngay giữa trung tâm TP.HCM ít ai để ý khuất sau những tán cây cổ thụ và những tòa nhà cao tầng sầm uất có một ngôi nhà nguyện cổ kính và trang nghiêm mang nét kiến trúc Gothic đặc trưng của Pháp vẫn còn tồn tại.
Chỉ khi đi sâu vào khuôn viên của Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (số 6 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1) thì mới có thể phát hiện và ngắm nhìn trọn vẹn ngôi nhà độc đáo này một cách chân thực nhất.

Nhà nguyện cổ gần 160 năm tuổi nằm trong khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Giuse
ẢNH: UYỂN NHI
Ngôi nhà được lợp bằng mái ngói âm dương đỏ sẫm phong cách Á Đông, nhưng mặt tiền lại mang đặc trưng của Pháp với chi tiết: các vòm nhọn cao vút, cùng hệ thống phù điêu chạm khắc tinh xảo đắp nổi trên nền tường trắng kem.
Bên trong, ánh sáng mờ ấm của các khung cửa sổ kính màu đổ xuống nền gạch cổ khiến không gian thêm phần linh thiêng và tĩnh lặng.



Khuôn viên nhà nguyện cổ được bao phủ nhiều cây xanh
ẢNH: UYỂN NHI
Nhà nguyện tồn tại gần 16 thập kỷ giữa lòng TP.HCM
Theo tài liệu của Hội đồng giám mục Việt Nam, Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn được khởi công năm 1863 bởi linh mục người Pháp Théodore Louis Wibaux. Sau 3 năm xây dựng, chủng viện hoạt động với 60 chủng sinh đầu tiên. Nơi đây cũng được xem là một trong các trung tâm đào tạo linh mục Công giáo xưa và lớn nhất Việt Nam.

Phía bên hông nhà nguyện cổ
ẢNH: UYỂN NHI
Sau đó, cha Wibaux tiếp tục công việc xây dựng nhà nguyện và khánh thành năm 1867. Công trình này có chiều dài 30 mét, chiều cao và chiều rộng 10 mét.
Phía sau nhà nguyện là phần mộ của linh mục Wibaux, đặt trong một nhà mồ được thiết kế tinh tế, yên bình. Còn ở phía trước là khu nhà truyền thống trưng bày đồ cổ, vật thể văn hóa.

Nhà nguyện mang kiến trúc Gothic – Pháp kết hợp mái ngói Á Đông
ẢNH: UYỂN NHI
Đặc biệt, trong nhà nguyện, phía dưới bục làm lễ là 3 phần mộ được đặt cạnh nhau của các vị giám mục. Đó là mộ phần Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Đức Giám mục phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm và Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Ngày 1.11 hằng năm (ngày lễ các Thánh), cũng được xem như ngày “giỗ chung” để tưởng nhớ các linh mục đã chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

Tòa nhà mang kiến trúc của Pháp nằm kế bên nhà nguyện
ẢNH: UYỂN NHI
Trải qua gần 16 thập kỷ, nhà nguyện vẫn giữ nguyên kết cấu ban đầu, dù đã nhiều lần trùng tu sau nhiều biến động của thời cuộc. Sau năm 1975, một phần đất của Đại chủng viện được chuyển tách ra làm cơ sở của Đại học Sài Gòn, xây cụm dân cư và làm đường Nguyễn Hữu Cảnh.


Một góc nhà nguyện cổ với tháp nhọn vươn lên – nét đặc trưng của kiến trúc Pháp
ẢNH: UYỂN NHI
Bên cạnh là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng như: lễ Giáng sinh, lễ Truyền chức linh mục, lễ các Thánh… Thì nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý cũng như nhiều thư tịch, văn bản cổ phục vụ cho nghiên cứu thần học, khảo cổ và văn hóa tôn giáo.
Khách tham quan có thể đến viếng thăm nhà nguyện từ 8 giờ – 17 giờ các ngày trong tuần, hoặc ngồi đọc sách, tra cứu tại thư viện nằm trong dãy nhà đối diện.

Toàn cảnh phía trước nhà nguyện cổ
ẢNH: UYỂN NHI
Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhà nguyện gần 160 năm tuổi trong khuôn viên Đại chủng viện Thánh Giuse vẫn lặng lẽ tồn tại như một phần ký ức sống động giữa lòng TP.HCM. Không chỉ là không gian phục vụ cộng đồng Công giáo, nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và đức tin.