Quân đội Pakistan cải thiện hình ảnh nhờ cuộc chiến 4 ngày với Ấn Độ

Quân đội Pakistan cải thiện hình ảnh nhờ cuộc chiến 4 ngày với Ấn Độ

bởi

trong

Quân đội và tướng lĩnh Pakistan lâu nay đối mặt nhiều hoài nghi, nhưng giờ đây họ đang được người dân ca ngợi sau 4 ngày đụng độ với Ấn Độ.

Chính phủ và quân đội Pakistan tuyên bố họ là bên chiến thắng trong cuộc đụng độ quân sự lớn nhất với Ấn Độ trong hơn 50 năm qua, nổ ra hôm 7/5 và kéo dài đến 10/5, dù các nhà phân tích và quan sát viên quốc tế cho rằng cuộc giao tranh này gần với một kết quả hòa hơn.

Ấn Độ đã mất một số tiêm kích hiện đại trong không chiến, nhưng Pakistan cũng chịu một số tổn thất không thể che giấu trong đòn tập kích của đối thủ. Ảnh vệ tinh do Không quân Ấn Độ (IAF) công bố hôm 12/5 cho thấy loạt căn cứ quân sự Pakistan cùng các đài radar, hệ thống phòng không hứng chịu thiệt hại trong trận tập kích rạng sáng 10/5.

Nhưng các đảng phái chính trị và người dân Pakistan đã tổ chức nhiều cuộc tuần hành để ăn mừng thành tích của lực lượng vũ trang nước này, ca ngợi họ đã “đứng lên chống lại người hàng xóm hùng mạnh hơn”. Một niềm tin mới của công chúng Pakistan dành cho nhà nước và quân đội đã bắt đầu nhen nhóm, khiến một số vấn đề của lực lượng vũ trang tạm thời bị lãng quên.





Quân đội Pakistan cải thiện hình ảnh nhờ cuộc chiến 4 ngày với Ấn Độ

Tấm biển quảng cáo ở Peshawar có hình ảnh tổng tư lệnh quân đội Pakistan, tướng Syed Asim Munir (chính giữa, bên phải), cùng các lãnh đạo quân sự khác. Ảnh: AFP

“Cảm giác như chúng tôi đã giành được điều gì đó. Chúng tôi không phải một quốc gia thất bại”, Hafeez Siddiqui, kế toán ngân hàng ở Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan, nói. “Ít nhất, quân đội đã chứng minh rằng họ vẫn có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Chỉ vài tuần trước, suy nghĩ của người dân Pakistan hoàn toàn khác, khi họ lo sợ rằng một cuộc chiến với Ấn Độ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm rắc rối mà quốc gia này đang phải đối mặt.

Pakistan đã bị chia rẽ bởi tình trạng phân cực chính trị kể từ khi thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào năm 2022. Tính hợp pháp của chính phủ hiện tại vẫn còn gây tranh cãi, khi nhiều người cho rằng kết quả cuộc bầu cử năm ngoái bị quân đội thao túng.

Tình hình kinh tế đất nước cũng rất ảm đạm. Giá nhiên liệu, thực phẩm và điện tăng cao gây áp lực ngày càng lớn lên người nghèo và tầng lớp trung lưu, làm trầm trọng thêm nỗi bất bình trong công chúng.

Tình hình an ninh nội bộ của Pakistan cũng không mấy khả quan, khi các nhóm vũ trang đối lập gia tăng tấn công ở vùng đông bắc đất nước, dọc biên giới với Afghanistan, và phiến quân ly khai đang thách thức khả năng kiểm soát của chính phủ ở phía tây nam.

Những thách thức trên đã đặt Pakistan vào thế khó khi quân đội nước này đối phó với cuộc tấn công từ Ấn Độ, cường quốc đang lên với nền kinh tế lớn gấp 10 lần họ.





Quân nhân Pakistan đứng bên tên lửa NASR trong cuộc diễu binh ở Islamabad hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Quân nhân Pakistan đứng bên tên lửa NASR trong cuộc diễu binh ở Islamabad hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nổ ra sau khi 26 thường dân thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 22/4 tại vùng Jammu và Kashmir ở miền bắc Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn nhóm phiến quân thực hiện vụ xả súng và tuyên bố sẽ có phản ứng quyết đoán, dù Islamabad phủ nhận.

Hai tuần sau, Ấn Độ rạng sáng 7/5 bất ngờ mở chiến dịch Sindoor, tập kích tên lửa vào loạt mục tiêu ở Pakistan. Giao tranh giữa hai nước đã bị đẩy đến bờ vực chiến tranh toàn diện với những đòn tấn công ăn miếng trả miếng trong những ngày tiếp theo.

Nhưng căng thẳng cũng kết thúc rất nhanh chóng bằng một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian hôm 10/5. Pakistan đàm phán chấm dứt giao tranh trực diện với Ấn Độ với tư cách là quốc gia ngang hàng. Trong tuyên bố chiến thắng, họ khẳng định đã tấn công các mục tiêu “đặc biệt nhạy cảm” của quân đội Ấn Độ, bắn hạ một số tiêm kích tiên tiến nhất của đối phương.

Người dân Pakistan hào hứng với câu chuyện chiến thắng mà quân đội đưa ra. Đối với các tướng lĩnh Pakistan, đây là cơ hội hiếm hoi để vãn hồi hình ảnh như một trụ cột đáng tin cậy của đất nước, vào thời điểm quân đội đối mặt nhiều hoài nghi.

Tướng Syed Asim Munir, người nắm quyền Tư lệnh Lục quân Pakistan vài tháng sau khi cựu thủ tướng Khan bị lật đổ, được biết đến là người kín tiếng và hạn chế xuất hiện trong các sự kiện công cộng.

Tướng Munir đã trở thành mục tiêu bị công kích trong nhóm những người ủng hộ cựu thủ tướng Khan thuộc tầng lớp trung lưu trẻ tuổi ở thành thị, theo Aqil Shah, giáo sư về quân sự và an ninh Nam Á tại Đại học Georgetown, Mỹ.

Nhưng ông bất ngờ thể hiện vai trò rõ ràng và quyết đoán hơn khi căng thẳng với Ấn Độ leo thang. Hiện tại, hình ảnh của tướng Munir xuất hiện dày đặc trên các bảng quảng cáo và áp phích khắp cả nước, được ca tụng như “vị cứu tinh của quốc gia”.

“Hào quang chiến thắng có thể giúp quân đội Pakistan xây dựng lại hình ảnh trước công chúng như một đội quân chiến đấu chuyên nghiệp, thay vì một thế lực có động cơ chính trị không được lòng dân”, Shah nhận xét.





Học sinh và giáo viên cầm cờ Pakistan tham gia một cuộc biểu tình phản đối Ấn Độ và bày tỏ đoàn kết với lực lượng vũ trang tại Karachi hôm 15/5. Ảnh: AFP

Học sinh và giáo viên cầm cờ Pakistan tham gia một cuộc biểu tình phản đối Ấn Độ và bày tỏ đoàn kết với lực lượng vũ trang tại Karachi hôm 15/5. Ảnh: AFP

Việc tướng Munir lấy lại vị thế phản ánh một xu hướng thường thấy ở Pakistan, nơi căng thẳng với Ấn Độ thường thúc đẩy hình ảnh của các chỉ huy quân đội trong lòng công chúng.

Tướng Pervez Musharraf là một ví dụ. Ông trở nên nổi tiếng trong cuộc xung đột Kargil năm 1999 với Ấn Độ. Cuộc đụng độ này kéo dài hai tháng, bùng phát khi lực lượng Pakistan xâm nhập vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Cuối năm đó, ông Musharraf đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, Bilal Gilani, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Gallup Pakistan, lưu ý động lực ủng hộ mà quân đội giành lại được sau cuộc giao tranh mới nhất với Ấn Độ hoàn toàn có thể biến mất nếu các tướng lĩnh lại bị coi là can thiệp quá mức vào chính trị.

Hình ảnh mới được tạo dựng của quân đội Pakistan cũng có thể bị lung lay khi họ đối mặt với những thách thức về an ninh trong nước. Các cuộc đánh bom và tấn công liên tục của những nhóm phiến quân vũ trang nhắm vào lực lượng quân đội, cảnh sát Pakistan đã đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về việc liệu họ có khả năng bảo vệ đất nước hay không.

Nhóm phiến quân hoạt động mạnh nhất ở Pakistan hiện nay là Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), hay còn gọi là Taliban ở Pakistan, do có liên hệ với lực lượng đang nắm quyền ở Afghanistan. TTP được thành lập năm 2007, hoạt động ở vùng biên giới tây bắc Pakistan và thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng an ninh nước này.

Quân đội Pakistan đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét TTP nhưng không thành công, do nhóm này hoạt động ở khu vực biên giới hiểm trở và dễ dàng vượt biên qua Afghanistan để tránh bị tấn công.

Muhammad Amir Rana, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Pakistan, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Islamabad, cho rằng Pakistan đã đầu tư rất nhiều vào năng lực quân sự để chống lại sức ép từ Ấn Độ.

“Nhưng việc giải quyết mối đe dọa từ các phong trào phiến quân trong nước đòi hỏi cách tiếp cận rất khác”, ông nói. “Đó là cách tiếp cận bắt nguồn từ các chiến lược chống khủng bố hiệu quả và đối thoại chính trị bền vững”.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)