
Bạn không cần phải từ bỏ cà phê hoàn toàn, nhưng có thể điều chỉnh thời điểm uống thuốc và cà phê hợp lý – Ảnh: FREEPIK
Theo Eating Well, cà phê có thể tương tác với thuốc theo nhiều cách. “Cà phê có thể thay đổi cách cơ thể hấp thu, chuyển hóa hoặc đào thải một số loại thuốc nhất định”, dược sĩ người Mỹ Jennifer Bourgeois cho biết.
Bạn không cần phải từ bỏ cà phê hoàn toàn, nhưng có thể điều chỉnh thời điểm uống thuốc và cà phê hợp lý. Dưới đây là những loại thuốc mà chuyên gia cảnh báo có khả năng tương tác với cà phê vào buổi sáng.
Thuốc chống trầm cảm
Nếu đang uống thuốc chống trầm cảm, bạn nên tránh uống cà phê ngay sau khi dùng thuốc vì nó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Ví dụ, caffeine trong cà phê có thể tương tác với thuốc escitalopram (Lexapro), khiến cơ thể khó hấp thu thuốc hơn. Khi thuốc được hấp thu ít hơn, hiệu quả điều trị cũng giảm theo.
Khi uống chung với cà phê, quá trình chuyển hóa một số loại thuốc chống trầm cảm khác như clomipramine và imipramine có thể chậm lại, khiến nồng độ thuốc trong máu tăng cao và kéo dài. Tương tác này cũng có thể khiến tác động của caffeine mạnh hơn, dẫn đến cảm giác bồn chồn và lo lắng.
Thuốc tuyến giáp
Bourgeois cho biết khả năng hấp thu levothyroxine – loại thuốc điều trị suy giáp – có thể bị giảm đáng kể khi dùng chung với cà phê. Một số nghiên cứu cho thấy cà phê có thể làm giảm tới 50% lượng thuốc được hấp thu.
“Điều này khiến mức hormone tuyến giáp dao động và kéo dài các triệu chứng như mệt mỏi hoặc kém minh mẫn”, Bourgeois cảnh báo.
“Vì vậy, bệnh nhân nên đợi từ 30 – 60 phút sau khi uống thuốc tuyến giáp mới được uống cà phê”.
Thuốc loãng xương
Các loại thuốc điều trị loãng xương như risedronate và alendronate không nên dùng cùng với cà phê.
“Dù là cà phê có caffeine, không caffeine, sữa hay nước trái cây, tất cả đều có thể làm giảm khả năng hấp thu thuốc do ảnh hưởng đến quá trình hòa tan và liên kết của thuốc”, Bourgeois khuyên.
Thuốc cảm lạnh và dị ứng
Khi dùng caffeine và thuốc làm thông mũi pseudoephedrine cùng nhau, chúng có thể cộng hưởng tác dụng phụ khiến bạn cảm thấy lo lắng, bồn chồn hơn.
Người bị tiểu đường nên đặc biệt cẩn thận nếu uống cà phê khi đang dùng thuốc này. Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp hai thứ có thể làm tăng đường huyết và thân nhiệt.
Thuốc chống loạn thần
Người đang sử dụng thuốc chống loạn thần như phenothiazine, clozapine, haloperidol hoặc olanzapine có thể cần điều chỉnh thời điểm uống cà phê buổi sáng. Cà phê có thể làm gián đoạn quá trình chuyển hóa những loại thuốc này.
Thuốc hen suyễn
Tác dụng phụ thường gặp của một số loại thuốc hen suyễn có thể gồm buồn nôn, đau đầu, bồn chồn và cáu gắt. Dùng quá nhiều caffeine từ cà phê, trà hoặc nước tăng lực có thể làm các tác dụng phụ này trở nên nghiêm trọng hơn.
Thuốc làm loãng máu
Dùng thuốc làm loãng máu với cà phê rất nguy hiểm vì caffeine cũng làm chậm quá trình đông máu, càng làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím.
Ngoài ra nghiên cứu còn cho thấy cà phê có thể làm giảm độ pH trong dạ dày, khiến thời gian hấp thu của một số thuốc như aspirin bị rút ngắn. Khi thuốc được hấp thu nhanh hơn, lượng thuốc vào cơ thể nhiều hơn trong cùng một lúc, từ đó làm tăng nguy cơ xuất huyết.