
Có người nhắn riêng với tôi rằng ‘bài viết hay đấy’ nhưng không ai bình luận công khai. Tôi tự hỏi: họ đọc chưa hay chỉ ‘like’ cho có lệ?
Một buổi sáng đầu tuần, tôi chia sẻ bài viết mới của mình lên Facebook cá nhân. Đó là bài viết tôi dành nhiều tâm huyết, nghiền ngẫm từng câu chữ và viết về một vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Tôi chờ đợi một cuộc tranh luận nhỏ, đôi ba lời bình luận, có thể là một lời khen, góp ý hay đơn giản chỉ là “đã đọc”.
Nhưng rồi, như thường lệ, ngay sau khi tôi đăng bài viết là vài biểu tượng cảm xúc quen thuộc xuất hiện: một trái tim, một vài cái like. Không bình luận, không chia sẻ, không ai thực sự nói gì. Mọi người đã đọc – tôi biết – vì có người còn nhắn riêng với tôi rằng “bài này hay đấy” nhưng… không ai dám bình luận công khai. Đôi khi tôi tự hỏi: họ có đọc không, hay chỉ “like cho có lệ”?
Đã không ít lần tôi thắc mắc “phải chăng một lượt ‘like’ bây giờ không còn mang nhiều ý nghĩa, khi nó được dùng để thay thế cho cả sự quan tâm, lời động viên và thậm chí là… trách nhiệm tương tác?”. Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, khi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể kết nối với hàng triệu người trên khắp thế giới, thì con người lại đang ngày càng xa cách nhau hơn. Chúng ta lướt qua nhau trong thế giới ảo như những cái bóng nhanh chóng, lạnh lùng và hờ hững.
Hiện tượng “chỉ like dạo” đang trở nên phổ biến. Nhiều người xem mạng xã hội như một nơi tiêu khiển, giải trí, lướt xem để giết thời gian, và rất ít khi để lại một bình luận mang tính xây dựng, hay chia sẻ một nội dung giá trị. Thay vào đó, những video nhảm nhí, câu view, phản cảm lại thu hút hàng triệu lượt tương tác, trong khi các bài viết sâu sắc, phản ánh hiện thực cuộc sống hoặc kêu gọi sự chung tay giúp đỡ lại chìm nghỉm trong im lặng.
>>
Đáng buồn thay, câu chuyện này không chỉ của riêng tôi. Nhiều người khác cũng đang bị “ngó lơ tử tế” bởi chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp – những người vẫn đều đặn bấm ‘like’ nhưng ‘im lặng tuyệt đối’ trước nội dung mà người khác dày công tạo ra. Trong khi đó, những video “giải trí cấp tốc”, những clip cắt ghép gây cười nhảm nhí hay thậm chí là nội dung phản cảm trên TikTok lại thu hút hàng triệu lượt tương tác. Cười thì dễ, cảm thông hay suy nghĩ thì dường như ngày càng khó.
Sự vô cảm kiểu mới ấy không ồn ào, không tổn thương trực diện, nhưng âm thầm khiến nhiều người chán nản. Sự thờ ơ trên mạng không đơn thuần là biểu hiện cá nhân. Nó dần tạo ra một văn hóa tiêu thụ nội dung hời hợt – nơi những điều tử tế, nội dung nghiêm túc dễ bị bỏ quên, còn sự hài hước, drama, giật gân thì lên ngôi. Người ta sẵn sàng chia sẻ một tin tức chưa kiểm chứng, nhưng lại ngần ngại tương tác với những bài viết của người thân, bạn bè, đồng nghiệp – những người họ quen và hiểu. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta thực sự đang quan tâm đến điều gì trên mạng xã hội?
Sự “lười tương tác” đang trở thành một vấn đề lan rộng trong môi trường làm việc. Nhiều quản lý than phiền rằng họ gửi tin nhắn trong nhóm làm việc nhưng không ai phản hồi. Có người xem rồi lướt qua. Có người “đã đọc tin nhắn” nhưng không trả lời. Những nhóm chat dần trở nên yên ắng đến mức đáng lo. Chúng ta đang sống trong thời đại mà việc thể hiện cảm xúc thật đang bị thay thế bằng những cú “like cho có”.
Nhiều người cảm thấy việc gõ một bình luận dài dòng, chia sẻ một nội dung nghiêm túc là phiền phức, trong khi chỉ cần một cú chạm nhẹ để “thả tim” hay “like” là đủ để thể hiện cảm xúc. Thế nhưng, thế giới ảo không chỉ cần những biểu tượng cảm xúc hời hợt, mà đang rất cần những trái tim thật, dấn thân và biết rung động trước những điều đáng quan tâm.
Sự tương tác không chỉ là phép lịch sự, mà còn là kết nối giữa người với người trong một xã hội số hóa. Khi chúng ta không còn muốn nói chuyện thật với nhau, không còn muốn phản hồi dù chỉ là đôi lời, thì có lẽ, điều đáng lo không phải là trí tuệ nhân tạo đang chiếm chỗ con người mà chính là cảm xúc và sự gắn kết của con người đang tự biến mất.
Chúng ta cần quay lại với một văn hóa tương tác tử tế và chủ động hơn. Không ai bắt bạn phải khen ngợi hay chia sẻ mọi thứ, nhưng nếu người bạn của bạn đã chia sẻ một bài báo, một sáng tạo, một điều họ tự hào hãy dành vài phút đọc, vài dòng phản hồi. Một bình luận nhỏ có thể là nguồn động viên lớn. Một lời góp ý có thể giúp họ tốt lên mỗi ngày.
Hãy bắt đầu lại từ những điều nhỏ nhất: một lời bình luận, một câu trả lời, một cái chia sẻ thật lòng. Vì hơn bao giờ hết, thế giới ảo cũng đang rất cần những trái tim thật. Đừng để sự vô cảm số hóa lấn át nghĩa tình đời thực. Và hãy nhớ, những giá trị thật không phải lúc nào cũng “gây sốt” như clip nhảm nhí. Nhưng chính sự quan tâm chân thành của bạn mới là điều khiến mạng xã hội đáng sống hơn và đời sống thực thêm phần ấm áp.
“Thế giới ảo” sẽ chẳng bao giờ là “thật” nếu thiếu đi sự chân thành. Hãy để mỗi dòng bình luận là một lời động viên, mỗi lượt chia sẻ là một hành động lan tỏa yêu thương. Bởi đôi khi, một cánh tay chìa ra trong thế giới ảo cũng có thể níu giữ một tâm hồn đang gục ngã.
- Bất lực khi con gái 18 tuổi nghiện clip ngắn TikTok nhảm nhí, vô bổ
- ‘Tôi như người tâm thần vì nghiện clip ngắn TikTok’
- Chồng ôm điện thoại 20 phút trong nhà vệ sinh vì nghiện Facebook
- Hai sinh viên ngồi cạnh nhau nhưng phải lên mạng xã hội nhắn tin
- ‘Sợ hãi vì cứ vào mạng xã hội là thấy tin sốc, sex, sến’
- Thấy mình ở ‘dưới đáy xã hội’ khi bạn bè flex