
Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đây chính là mấu chốt, là bước ngoặt tư duy mang tính lịch sử để các cơ chế, chính sách thiết kế sau đó cũng tương xứng, đồng bộ với sự đột phá này. Đơn cử như thủ tục hành chính, lâu nay vẫn được ví von “hành là chính” không chỉ gây tốn thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp mà còn làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết 68 yêu cầu hết sức cụ thể là phải giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật, 30% điều kiện kinh doanh trong năm nay và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Khơi thông được “cao tốc thủ tục” sẽ giúp giảm hàng tỉ USD chi phí không chính thức, tăng hàng tỉ USD chi phí cơ hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt và tạo ra một môi trường công khai, minh bạch. Và chỉ có môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng mới tạo dựng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp để phát động phong trào “toàn dân thi đua làm giàu”, góp phần đưa kinh tế Việt Nam bứt phá như Thủ tướng Chính phủ mong muốn.
Tương tự, Nghị quyết cũng xác lập cơ chế hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao. Ví dụ, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu. Công ty khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập trong 2 năm, và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo… Trong khi trước kia, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận tín dụng, đừng nói đến tiếp cận các chính sách ưu đãi. Đặc biệt, Nghị quyết đã “cởi trói” nỗi lo rủi ro pháp lý đang đè nặng lên các doanh nhân trong môi trường cơ chế, chính sách chồng chéo hiện nay với quy định biện pháp dân sự, kinh tế được ưu tiên áp dụng với các vụ việc vi phạm dân sự, kinh tế. Doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại…
Nghị quyết 68 đã mở “cao tốc” cho kinh tế tư nhân thì ở chiều ngược lại cũng đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải có đủ nội lực, bản lĩnh, sáng tạo và khát vọng để lăn bánh trên cao tốc này. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một số tập đoàn lớn hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, đề xuất tham gia các dự án trọng điểm quốc gia. Tính khả thi của đề án thế nào, được chấp thuận hay không sẽ do Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền xem xét cụ thể nhưng điều đáng mừng nhất trong việc này là sự chủ động và tính minh bạch của doanh nghiệp khi công khai đứng ra nhận trọng trách.
Xin dẫn lại thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất”. Đó cũng chính là đòi hỏi của Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi không thể tạo ra những đột phá phi thường nếu vẫn chỉ suy nghĩ hay thực hiện những cách làm bình thường, thông lệ.
Kỷ nguyên mới đòi hỏi tư duy mới, cách làm mới, sự tiếp cận mới thì mới không bị bỏ lại trên chính cao tốc mà mình đã mở ra.