Xuất khẩu mô hình phát triển bền vững ra thế giới
Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), đơn vị vận hành Xanh SM – thương hiệu gọi xe thuần điện đầu tiên tại Đông Nam Á, vừa chính thức công bố triển khai nền tảng công nghệ Xanh SM Platform tại Lào.

Taxi điện Xanh SM trên đường phố Lào
ẢNH: V.G
Lào là thị trường quốc tế thứ hai mà GSM hiện diện đầy đủ mô hình gọi xe và phân phối phương tiện, sau VN. Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược “Go Green Global” của thương hiệu, thể hiện nỗ lực tiên phong đưa mô hình giao thông bền vững “Made in Vietnam” vươn tầm khu vực.
Còn nhớ ngày 14.4.2023, những chiếc taxi điện thương hiệu Xanh SM đồng loạt “đổ bộ” đường phố Hà Nội, đánh dấu sự gia nhập chính thức của GSM vào thị trường taxi quy mô hơn 440 triệu USD đã gây tò mò xen lẫn sự tự hào, kỳ vọng của nhiều người dân thủ đô. Không lâu sau đó, taxi xanh tiến vào miền Nam, miền Trung… Vị thế của taxi Xanh SM ngày càng rõ nét khi cán mốc 6 triệu khách hàng chỉ sau 5 tháng “trình làng”, đạt tốc độ tăng trưởng hiếm có. Đây cũng là tiền đề vững chắc để taxi xanh tiến ra Đông Nam Á, khởi đầu công cuộc chinh phục thế giới.
Cũng thần tốc như tại VN, những chiếc taxi xanh nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân xứ triệu voi. Ngay trong tháng đầu tiên, ứng dụng Xanh SM Laos đã thu hút hơn 200.000 lượt tải, đồng thời nhanh chóng vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng “app miễn phí”, hạng mục App du lịch trên App Store và Google Play. Sau hơn 1 năm triển khai dịch vụ gọi xe tại 4 tỉnh, Xanh SM đã ghi nhận sự hưởng ứng tích cực với sự đồng hành của hàng triệu khách hàng tại Lào, thực hiện hơn 8 triệu km di chuyển bằng xe điện, góp phần giảm phát thải ra môi trường – tương đương với lượng CO₂ được hấp thụ bởi hơn 70.000 cây xanh trong một năm. Đó là nền tảng để Xanh SM tiến thêm một bước trên hành trình đóng góp vào công cuộc xanh hóa giao thông của Lào, thông qua việc giới thiệu Xanh SM Platform.

Dây chuyền sản xuất xe của VinFast
ẢNH: V.G
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM Toàn cầu, chia sẻ: “Việc triển khai Xanh SM Platform tại Lào không chỉ là sự mở rộng về mặt thị trường, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xuất khẩu toàn diện một mô hình phát triển bền vững, nơi công nghệ, môi trường và cơ hội kinh tế được tích hợp trong một nền tảng duy nhất. Ra mắt nền tảng Xanh SM Platform, đồng thời chính thức phân phối hai mẫu xe VinFast VF 3 và VF 5 Lào tiếp tục củng cố hình ảnh của thương hiệu Việt trên bản đồ giao thông xanh thế giới, đồng thời thể hiện cam kết dài hạn trong việc đồng hành cùng người dân Lào trên hành trình kiến tạo nền tảng giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường và bền vững. Chúng tôi tin rằng VN không chỉ có thể sản xuất phương tiện xanh, mà còn có thể dẫn dắt cuộc chuyển đổi toàn cầu về cách chúng ta di chuyển. Xanh SM chính là minh chứng cho điều đó”.
Phá vỡ định kiến về giới hạn của nền công nghiệp VN
Cuối năm 2024 – hơn 7 năm kể từ ngày chính thức khởi công nhà máy sản xuất ô tô, VinFast công bố đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 60%, điều mà nhiều hãng xe ngoại vào VN hàng chục năm qua cũng không làm được. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan gọi đây là một kỳ tích, bởi thời điểm Vingroup quyết định làm ô tô, VN hầu như chưa có công nghiệp phụ trợ và sự cạnh tranh từ hàng ngoại quá lớn.

VF 3 và VF 5 vừa chính thức ra mắt thị trường Lào
ẢNH: V.G
Bà Phạm Chi Lan nhớ lại: Từ những năm 1990, khi chúng ta đưa ra chiến lược công nghiệp hóa, đã có 11 hãng ô tô trên thế giới vào VN như Toyota, Mitsubishi, Daewoo, Hyundai, Kia tới Ford… Lúc đó chúng ta tin và mong mỏi ngành công nghiệp phụ trợ cho ô tô sẽ phát triển, người Việt làm việc cho các hãng nổi tiếng thế giới sẽ học hỏi được kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô VN dần hình thành. Vì thế, chúng ta đã dành cho các nhà đầu tư các ưu đãi cao trên cơ sở cam kết chuyển giao công nghệ cho VN và đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định, khoảng 10 – 30% tùy hãng sau 10 – 15 năm. Bên cạnh đó là cam kết xuất khẩu và coi đấy là một trong những cú hích đầu tiên để đặt nền móng cho ngành ô tô và quá trình công nghiệp hóa của VN.
Thế nhưng, tất cả nhà đầu tư nước ngoài ban đầu đều nhập toàn bộ các bộ phận, linh kiện phụ trợ, chỉ lắp ráp ở VN, phần vì chúng ta chưa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho họ, phần vì quy mô thị trường còn quá nhỏ. Sau 5 – 7 năm, khi chúng ta thúc giục thì họ quay sang dùng các doanh nghiệp (DN) phụ trợ đưa từ bên ngoài vào và được hưởng ưu đãi đối với FDI như với công ty mẹ. Với ưu đãi như vậy, các ngành phụ trợ ở VN không thể có cơ hội phát triển.
“Điều đó giải thích cho con số DN phụ trợ ở VN hiện nay cũng chỉ khoảng 3.400 cho tất cả các ngành khác nhau, trong đó, lĩnh vực ô tô chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi vậy, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi tỷ lệ nội địa hóa của VinFast đã lên hơn 60%. Tôi hoàn toàn tin VinFast sẽ đạt được mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa 84% vào năm sau, khi nhà máy sản xuất pin cho ô tô điện ở Hà Tĩnh cho ra sản phẩm. Thành tựu này cũng như sự phát triển của VinFast đã góp phần đáng kể cho ngành ô tô và sự nghiệp công nghiệp hóa của VN”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ là yếu tố cốt tử của ngành ô tô. Không có công nghiệp hỗ trợ thì ngành ô tô chỉ là “nói cho sang, cho oai”. Tận mắt thấy các chi tiết quan trọng nhất của ô tô được sản xuất ngay tại Cát Hải (Hải Phòng), PGS-TS Trần Đình Thiên tin rằng con số nội địa hóa 60% của VinFast rất thật và được xây dựng trên một “cách chơi” rất thông minh. Thay vì đầu tư theo cách truyền thống, VinFast đầu tư tài chính để phát triển ngành công nghiệp.
“Anh bỏ tiền ra mua tất cả những thứ tạo thành một chiếc ô tô, rồi nội địa hóa từng bước, từng khâu. Có thể hiểu đây là đi mua quyền sở hữu trí tuệ, mua tài sản trí tuệ của thế giới về VN để tiến hành sản xuất. Trong những năm đầu, cái gì chưa sản xuất được thì nhập khẩu. Cách làm này giúp giải quyết toàn bộ những khâu quan trọng nhất là sản xuất từ phụ tùng đi kèm và thúc đẩy quá trình diễn ra cực kỳ nhanh. Nhờ đó, con đường khẳng định ngành công nghiệp ô tô của VN được rút ngắn và tăng tính hiện thực hóa”, ông Thiên giải thích.
“Trong thời đại phát triển theo chuỗi với nguyên tắc khốc liệt là người thắng được cả, và phải đi từ công nghệ cao, muốn có được những chuỗi như vậy thì phải có những tập đoàn đứng đầu chuỗi và phải biết tổ chức thành một chuỗi giá trị. Chuỗi này phải có sức vươn toàn cầu, mang giá trị, có vị thế toàn cầu. Theo nghĩa đó, một mình VinFast là rất tốt nhưng chưa đủ để VN có được một nền kinh tế đủ sức đua tranh với thế giới, sánh vai được với các cường quốc kinh tế. VN cần có thêm “nhiều VinFast””, TS Thiên nhấn mạnh.
VN không thiếu những DN, doanh nhân có khát vọng lớn, vấn đề còn lại là cách tổ chức, là sự hỗ trợ của nhà nước, người dân và các DN cùng chia sẻ, ủng hộ chiến lược phát triển các DN Việt. Bài học từ sự thành công của VinFast và các đối tác sẽ cần được nhân rộng để thành công xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ VN, góp phần đưa VN trở nên thịnh vượng, vững bước vào kỷ nguyên vươn mình.
PGS-TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN)