Bác sĩ chuyên khoa 1 Vòng Minh Kiến, Trưởng phòng khám tim mạch – tiểu đường, Hệ thống y tế 315 (TP.HCM), giải đáp: Các loại nội tạng động vật thường được con người dùng làm thực phẩm là thận, não, gan, lưỡi, tim, phổi, bao tử, ruột… Nhóm thịt nội tạng có chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe khác nhau, trong đó nổi bật là những chất sau:

Các món ăn nội tạng được nhiều người ưa thích
Chất sắt: Sắt cần thiết để tạo ra huyết sắc tố, một loại protein mang oxy đi khắp cơ thể. Nếu trẻ em hoặc người lớn đang muốn tăng lượng sắt hấp thụ, thì thịt nội tạng có thể là một lựa chọn, trong đó đặc biệt là gan. Gan gà chứa 10,2 mg sắt.
Vitamin B: Thịt nội tạng giàu vitamin B, đặc biệt là B6 và B12, phục vụ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. B6 rất quan trọng để phá vỡ protein, carbohydrate và chất béo, đồng thời, hỗ trợ chức năng miễn dịch khỏe mạnh. B12 cần thiết để tạo ra các tế bào não và thần kinh, ADN, hồng cầu.
Protein: Protein xây dựng nên khối tế bào, đặc biệt là tế bào mới và sửa chữa những tế bào hiện có. Mặc dù không có nhiều chất đạm như thịt cơ, nhưng nhiều loại thịt nội tạng vẫn là nguồn cung cấp chất đạm tốt. 100 g gan bò chứa 20,4 g protein.
Axit alpha-lipoic: Axit alpha-lipoic (ALA) được chứng minh là có lợi cho sức khỏe. Chúng bảo vệ ty thể – một phần của tế bào tạo ra năng lượng khỏi bị hư hại, giúp biến chất dinh dưỡng thành năng lượng. Axit alpha-lipoic cũng có thể hữu ích đối với bệnh thần kinh (hoặc tổn thương thần kinh) liên quan đến bệnh tiểu đường.
Cơ thể tạo ra axit alpha-lipoic, nhưng sẽ giảm khi chúng ta già đi. Axit alpha-lipoic có trong các loại thực phẩm như thịt nội tạng (tim và thận bò chứa nhiều nhất), rau bina, cà chua, bông cải xanh.
Khoáng chất quan trọng: Magiê trong nội tạng đóng vai trò quan trọng, bao gồm chức năng thần kinh và cơ bắp, tạo xương. Selenium là chất dinh dưỡng quan trọng đối với chức năng tuyến giáp và sức khỏe sinh sản. Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, chữa lành vết thương, khoáng chất này cũng cần thiết để tạo ra protein và ADN.

Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol cao, tốt nhất nên chọn thịt nạc để thay thế thịt nội tạng
Lưu ý khi ăn nội tạng
Thịt nội tạng an toàn cho hầu hết mọi người nếu ăn với lượng vừa phải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nội tạng cũng chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, có thể làm tăng mức cholesterol trong máu. Do đó, với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim như cholesterol cao, tốt nhất nên chọn thịt nạc để thay thế.
Những người bị bệnh gout (một loại viêm khớp) cũng nên theo dõi lượng thịt ăn vào, bao gồm cả nội tạng. Chúng chứa purin (một hợp chất tự nhiên), làm trầm trọng thêm bệnh gout. Trẻ em cũng nên hạn chế ăn thịt nội tạng.
Thịt nội tạng chứa lượng vitamin A cao, những người đang mang thai nên tránh vì nếu ăn nhiều sẽ dư thừa vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh. Thịt nội tạng cũng chứa nhiều sắt, đây có thể là vấn đề đối với những người mắc chứng rối loạn quá tải sắt.
Ăn thịt nội tạng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Để đảm bảo an toàn, nếu mắc bệnh tiểu đường loại 2 và cholesterol cao – hai yếu tố nguy cơ của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu – thì nên không ăn thịt nội tạng.
Thường xuyên ăn thịt nội tạng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn. Nếu ai có tiền sử nhiễm trùng bàng quang hoặc có các yếu tố rủi ro khác, hãy hạn chế ăn thịt nội tạng.
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: [email protected].
Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia… để trả lời cho bạn đọc.