Siết hộ kinh doanh không chịu “lớn”
Số liệu thống kê cho thấy cả nước có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh (HKD) đang hoạt động và đa số đóng thuế khoán theo doanh thu tự kê khai với cơ quan thuế. Đây chính là lỗ hổng thất thoát lớn vì nhiều HKD có doanh số khủng nhưng không chịu “lớn”.

Các quán phở, hủ tiếu… sẽ không còn đóng thuế khoán từ đầu năm 2026
ẢNH: LÊ NAM
Theo chị Ngọc Thanh (ở Q.3, TP.HCM), tối cuối tuần vừa qua chị cùng gia đình ra ngoài ăn tối ở một cửa hàng sushi. Lúc chị đến đúng giờ cao điểm nên khách ngồi kín chỗ và gia đình chờ gần 20 phút mới có bàn. Đây là chỗ gia đình thường xuyên ăn uống với chi phí dao động từ 700.000 – 900.000 đồng cho 4 người. Từ trước đến nay quán này không chấp nhận thanh toán qua thẻ mà chỉ nhận tiền mặt hay chuyển khoản (thông qua tài khoản cá nhân). “Khách ra vô cuối tuần rất đông, chỉ tính đầu người thôi doanh thu không thể thấp hơn tiền tỉ trong một tháng. Nhưng trả tiền vào tài khoản cá nhân thì chắc chắn không kê khai doanh số rồi”, chị Thanh nói.
Tình trạng nhà hàng, quán ăn dù khách đông nghịt hay các khách sạn kinh doanh chỉ hoạt động theo hình thức HKD là phổ biến. Chị Hà (ở TP.HCM) cho hay thường xuyên đi gặp đối tác ở Hà Nội và đăng ký ở các khách sạn tư nhân thì hầu hết đều phải thanh toán bằng tiền mặt. Nếu chuyển khoản thì cũng thông qua tài khoản cá nhân và không lấy hóa đơn. Điều này cho thấy các điểm lưu trú này cũng có thể “giấu” doanh thu dễ dàng.
Thực tế nhiều HKD đã bị các cơ quan quản lý nhà nước xử lý khi vi phạm về kê khai nộp thuế. Chẳng hạn năm 2021, một tiệm vàng ở Cà Mau có ngày bán ra cả ngàn lượng vàng, doanh thu một năm gần chục ngàn tỉ đồng nhưng chỉ đóng thuế khoán gần 6 triệu đồng/tháng được nêu ra cho thấy lỗ hổng gây thất thoát ở “cổng” thuế khoán là khổng lồ. Tình trạng nhiều HKD có doanh thu mỗi năm hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng như trường hợp tiệm vàng nói trên, nhưng chỉ đóng thuế khoán vài triệu đồng, là phổ biến ở các TP lớn trên cả nước.
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh: Bỏ thuế khoán là cần thiết và đáng lý phải bỏ từ lâu. HKD là “vùng xám” khi không biết doanh thu là bao nhiêu, số thuế thì thấp. Có một số HKD kinh doanh vài chục tỉ mỗi năm nhưng không chịu lên doanh nghiệp (DN) vì số thuế khoán đóng cố định vài triệu đồng mỗi tháng. Một DN nhập hàng về bán cho HKD (cùng trong hệ sinh thái) và HKD bán ra thị trường giá cao. HKD đóng thuế khoán ít nên không phát sinh thuế dù lợi nhuận cao. Với sự phát triển kinh tế số, trong khi các thành phần kinh tế khác thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ đầy đủ mà HKD không thực hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Một con số cho thấy phần thất thu từ HKD là lớn. Hiện nay có hơn 5 triệu HKD nhưng số thuế nộp vào ngân sách khoảng 1,5 – 2% tổng thu ngân sách, trong khi người làm công ăn lương đóng thuế thu nhập cá nhân cũng đã khoảng 10% (năm 2024 nộp 170.000 tỉ đồng).

Chính thức bỏ thuế khoán đối với cá nhân, hộ kinh doanh từ đầu năm 2026 song song với việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp?
Bỏ thuế khoán từ đầu năm 2026 thì các HKD sẽ đóng thuế ra sao; những quán phở, hủ tiếu, tiệm gội đầu… sẽ kê khai như thế nào và có phải chuyển thành DN hay không… là vấn đề được các HKD quan tâm nhất hiện nay.
Chị Lam Thư, chủ một cửa hàng chuyên về chăm sóc da mặt tại Q.7 (TP.HCM), đang đóng thuế khoán hơn 800.000 đồng/tháng do cửa hàng mới thành lập gần 1 năm, chưa có nhiều khách. Qua phương tiện truyền thông, chị biết từ đầu năm tới sẽ bỏ thuế khoán và cũng đang băn khoăn lo lắng liệu mình sẽ phải kê khai đóng thuế như thế nào? Tương tự, gia đình bà Hoa (ở Q.Tân Phú, TP.HCM) thừa nhận nhiều năm qua đóng thuế khoán nên “quen” với hình thức này mà không cần phải lo kê khai, sổ sách nhiều. Giờ bà sẽ chờ được cơ quan thuế hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng quy định từ năm sau.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia về thuế, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng: Sắp tới khi bỏ thuế khoán thì HKD sẽ thực hiện đóng thuế theo doanh thu thực tế. Thống kê hiện có hơn 38.000 HKD có doanh thu từ 1 tỉ đồng trở lên đã kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Trong đó, chỉ riêng TP.HCM có khoảng 13.000 HKD. Ông Xoa thừa nhận, số lượng này khá ít bởi doanh thu 1 tỉ đồng/năm chỉ tương đương doanh thu mỗi ngày hơn 2,7 triệu đồng. Với HKD bán bún, phở giá 50.000 – 60.000 đồng/tô thì mỗi ngày bán chỉ bán từ 45 – 54 tô là đạt doanh thu này.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp khi bỏ thuế khoán
ẢNH: CAO AN BIÊN
“Từ đầu tháng 6 khi thực hiện quy định các HKD kết nối máy tính với cơ quan thuế thì số lượng HKD có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ HKD lên DN hay không còn phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, chế độ kế toán của từng người nộp thuế. Bởi khi HKD chuyển đổi lên DN thì HKD phải thực hiện chế độ hóa đơn đầu ra – đầu vào. Điều này không phải dễ đối với nhiều loại hình kinh doanh, ví dụ các tiệm phở, bún, tạp hóa… vì nguyên vật liệu mua vào ngoài chợ không có hóa đơn chứng từ”, ông Xoa phân tích và cho rằng, từ đầu năm 2026, quy định doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm không phải đóng thuế thì sẽ có nhiều HKD nhỏ thuộc trường hợp này, hoặc lẩn tránh dưới trường hợp này.
Dù vậy, luật sư Trần Xoa nhấn mạnh, khi bỏ thuế khoán thì phương thức kê khai thực tế với tỷ lệ thuế thấp. Cụ thể, thuế suất đối với phần kê khai thuế HKD (bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân) trên doanh thu đối với phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,5 – 1,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 2 – 10%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu từ 1,5 – 4,5%; hoạt động kinh doanh khác có thuế suất 3%. “Với tỷ lệ thuế như vậy, HKD sẽ dễ đóng và thực hiện trong khi việc xử lý với hành vi trốn thuế là rất nặng. Vì thế, HKD cũng không nên quá lo lắng mà giấu doanh thu, trốn thuế”, ông Xoa khuyến cáo.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), đồng tình: Tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân thì bên cạnh việc bỏ thuế khoán kèm theo nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ cá nhân, HDK để khu vực này phát triển chuyên nghiệp, lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của kinh tế cả nước. Việc lựa chọn phương thức quản lý thuế của cá nhân, HKD sẽ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Vì vậy, khi bỏ thuế khoán sẽ phụ thuộc vào loại hình kinh doanh, doanh thu thực tế mà HKD sẽ quyết định có đăng ký chuyển thành DN hay không.
“Những quán phở, quán hủ tiếu… hay nhiều cá nhân kinh doanh trong môi trường thương mại điện tử vẫn là những thành phần kinh tế quan trọng bên cạnh khu vực DN trong nền kinh tế. Nhà nước chỉ nên khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả mọi thành phần kinh tế đều có thể phát triển mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn để tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho người dân”, GS Võ Xuân Vinh nêu quan điểm.
Hướng đến mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chính sách bỏ thuế khoán song song với các giải pháp hỗ trợ cá nhân sẽ tạo cú hích để thúc đẩy các HKD lớn, chuyển thành DN sẽ nhiều hơn trước đây. Bởi khi chuyển sang DN, họ sẽ được ưu đãi nhiều hơn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu tiên. Sau đó, trong quá trình hoạt động nếu bị lỗ thì không phải đóng thuế. Đó là chưa kể hàng loạt hỗ trợ khác như tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn, có thể được hỗ trợ đào tạo quản trị… Trong khi HKD phải thực hiện kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế thì khó giấu doanh thu. Chưa kể nếu HKD thua lỗ thì vẫn phải đóng thuế. Nhìn vào thực tiễn đó, chắc chắn các HKD sẽ chuyển đổi lên DN nhiều hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng quan trọng nhất là các đơn vị triển khai thực hiện những quy định này.
“Thời gian tới, rất cần cơ quan thuế tuyên truyền, giải thích rõ những điểm lợi cho HKD hiểu khi bỏ thuế khoán và nếu chuyển lên DN. Đơn cử như việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ của cơ quan nhà nước đối với DN thì HKD trước đây khá lo lắng. Nay Đảng và Nhà nước đã nêu rõ không thực hiện kiểm tra khi các HKD tuân thủ quy định tốt hoặc không quá 1 lần/năm và các cơ quan thực thi đúng sẽ giúp HKD yên tâm hơn để chuyển sang DN. Khi có nhiều HKD lên DN phát triển mạnh thì nhiều cá nhân, HKD khác cũng sẽ đi theo”, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
TS Nguyễn Ngọc Tú nhận định: Để HKD chuyển lên DN cần có lộ trình từng bước. Khi đó, việc đạt mục tiêu có 2 triệu DN là khả thi. Bởi cách đây 30 năm, Bộ Tài chính cũng có chương trình cho HKD thu thuế theo kê khai nhưng không thực hiện được. Vì HKD khoán thuế thấp, người nộp thuế thấy lợi thì họ làm. Vì thế, việc bỏ thuế khoán, áp dụng tính thuế theo phương pháp kê khai trong thời gian tới gặp vấn đề là làm sao để HKD khai doanh thu thật. Ví dụ đơn giản, mỗi tháng HKD đóng thuế khoán khoảng 1 triệu đồng, sau khi bỏ thuế khoán thì đóng lên 10 triệu đồng. Để giảm số thuế, HKD sẽ tìm cách giảm doanh thu. Để tránh số thuế tăng đột biến, gây sốc, Bộ Tài chính cần có chính sách hỗ trợ HKD miễn giảm thuế trong thời gian đầu để họ có thể thích nghi, khai thật doanh thu thực tế. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng “thật thà thua thiệt”, người bán sẽ không xuất hóa đơn hay bấm vào máy tính tiền. Sau khi bỏ đóng thuế khoán, lợi thế ẩn doanh thu mất đi, thay vào đó minh bạch hóa đơn, chứng từ sẽ được lợi hơn thì HKD sẽ chuyển đổi lên DN. Ông Tú nhấn mạnh: Với những ưu đãi Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân vừa mới đưa ra, thì sự dịch chuyển HKD lên DN sẽ rất nhanh.
Một số chính sách về thuế, phí, lệ phí trong Nghị quyết số 198/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân:
– Miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.
– Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của DN lớn cho DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập DN.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 1.1.2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
– Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 1.1.2026.
– Miễn thu phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân, DN đối với các loại giấy tờ nếu phải cấp lại, cấp đổi khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật…
Lên doanh nghiệp có nhiều ưu đãi hơn
Theo Nghị quyết 68 mà Bộ Chính trị đưa ra, Chính phủ sẽ giảm mạnh thủ tục hành chính như thành lập DN đến việc giảm thanh kiểm tra, giảm thuế, đơn giản hóa chính sách thuế, chế độ kế toán… thì các HKD lớn chuyển sang DN sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn. Từ đó có cơ hội phát triển mạnh hơn. Chẳng hạn từ một quán phở khi được miễn thuế, dễ tiếp cận các nguồn vốn vay thì chủ quán sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển thành chuỗi. Mục tiêu đề ra phát triển được 2 triệu DN vào năm 2030 không chỉ là số lượng mà điều đó hướng đến phát triển lực lượng DN mạnh hơn, bền vững hơn. Từ đó cũng thúc đẩy nền kinh tế VN phát triển mạnh hơn.
GS-TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh – ĐH Kinh tế TP.HCM)