Khi Moskva – Kiev tiến hành các cuộc đàm phán, người Ukraine lo ngại xung đột khó chấm dứt trong thời gian ngắn vì hai bên còn nhiều bất đồng.
Sau hơn ba năm giao tranh ác liệt, triển vọng kết thúc xung đột Ukraine dường như vẫn chưa thể rõ ràng. Bất chấp nỗ lực thúc đẩy đàm phán từ Mỹ và các đồng minh châu Âu, Ukraine và Nga vẫn chưa thể tìm thấy tiếng nói chung, dù đã nối lại đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/5 nhắc lại ý định từ bỏ nỗ lực trung gian nếu các cuộc đàm phán tiếp tục không đạt tiến triển. “Tôi nghĩ rằng vì các bên đều có cái tôi lớn. Nhưng tôi tin điều gì đó sẽ xảy ra. Nếu không, tôi chỉ cần lùi bước và họ sẽ phải tự lo mọi chuyện”, ông Trump nói.
Ông Trump trước đó cùng ngày điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng hai bên đã không đạt được một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày như kỳ vọng. Thay vào đó, ông Putin nói “Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với phía Ukraine về một bản ghi nhớ xác định các quan điểm để hướng đến thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn “vô điều kiện, toàn diện và ngay lập tức” trong vòng 30 ngày. Nhưng những bất đồng về lập trường của các bên tham gia đàm phán khiến nhiều người Ukraine khó tin tưởng vào triển vọng chấm dứt xung đột nhanh chóng.

Hiện trường đổ vỡ sau một vụ tấn công ở thành phố Kostyantynivka, miền đông Ukraine. Ảnh: The Guardian
Các binh sĩ Ukraine nói họ không mong đợi nhiều, khi lực lượng Nga tiếp tục đạt bước tiến chậm ở một số khu vực trên tiền tuyến và sẵn sàng kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn trước khi bất cứ thỏa thuận ngừng bắn nào được ký kết.
“Tôi nghĩ cuộc đàm phán sẽ khó mang lại kết quả thực chất”, Ihor, binh sĩ Ukraine hiện chiến đấu ở miền đông, nói. “Đối phương hiện không cần đàm phán, vì họ đang đạt lợi thế trên chiến trường”.
Nhiều quan chức Ukraine cũng hoài nghi về mức độ cam kết của Nga trong nỗ lực chấm dứt xung đột và lo ngại kịch bản Washington quay lưng với Kiev.
“Nga không thể đánh bại chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Nếu không có Mỹ, việc thay đổi tình thế là không thể. Và theo thời gian, cán cân sẽ nghiêng về phía Nga. Chúng tôi sẽ vẫn sống, nhưng sẽ phải trả một cái giá lớn”, một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên nói.
Trong cuộc đàm phán ở Istanbul cuối tuần trước, nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng đất nước của ông sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến trong thời gian dài. “Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng sẵn sàng chiến đấu thêm 1, 2, 3 năm hoặc lâu hơn nữa. Chúng tôi từng chiến đấu với Thụy Điển trong 21 năm. Còn các vị sẵn sàng chiến đấu trong bao lâu?”, ông nói.
Dù một số quan chức Ukraine tin rằng họ có thể “điều chỉnh lập trường phù hợp” về các vấn đề cơ bản nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra, Kiev và Moskva vẫn còn những bất đồng khó khỏa lấp.
“Có một số vấn đề liên quan đến chủ quyền cùng mối quan hệ kinh tế và an ninh với châu Âu”, quan chức Ukraine nói. “Quy mô quân đội của Ukraine sẽ bị hạn chế bởi lý do kinh tế. Tính trung lập mà Nga yêu cầu là vấn đề có thể thương lượng, nhưng chúng tôi không thể đồng ý hủy bỏ quan hệ với phương Tây”.
Một số chính trị gia Ukraine công khai nói rằng việc Kiev tham gia các cuộc đàm phán hiện tại cũng một phần nhằm giữ chính quyền ông Trump bên cạnh, hy vọng ông chủ Nhà Trắng dần thay đổi quan điểm với Nga.
“Ông Zelensky đang trong tình thế khó khăn vì đằng sau ông ấy là cả một quốc gia với những người dân đang chịu đau khổ”, Oleksandr Merezhko, chính trị gia cùng đảng với ông Zelensky, nói. “Chúng tôi đang cố làm mọi thứ vì không muốn mất đi ủng hộ của Mỹ. Chúng tôi cũng không muốn bị cáo buộc rằng đó là lỗi của chúng tôi”.

Phái đoàn Nga, Ukraine gặp trực tiếp tại cung điện Dolmabache, thành phố Istanbul, với các đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia, ngày 16/5. Ảnh: AP
Hanna Maliar, luật sư và từng là thứ trưởng quốc phòng Ukraine, và nhiều người khác ở Ukraine đều cho rằng chiến sự có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. “Tôi cho rằng 90% cuộc chiến này sẽ tiếp tục một đến hai năm nữa. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cường độ cuộc chiến đã tăng lên”, bà nói.
Một cuộc chiến tiêu hao kéo dài sẽ là rủi ro lớn với Ukraine nếu xét đến tương quan nguồn lực với Nga, đặc biệt trong kịch bản thiếu hỗ trợ của Mỹ và châu Âu.
“Nó giống như việc bạn bám trụ trên cao nguyên nhưng chỉ còn lại một giọt nước cuối cùng. Điều đó sẽ dẫn tới sụp đổ tiền tuyến. Bạn không thể biết khi nào nó xảy ra. Để ngăn chặn điều đó, chúng ta cần phải tìm cách phù hợp cho các nỗ lực chiến tranh của mình, để chúng trở nên hiệu quả hơn”, quan chức cấp cao Ukraine nói.
Đối với một số người Ukraine, kịch bản tốt nhất hiện tại có thể là đóng băng giao tranh dọc theo tiền tuyến, dù không nhất thiết phải giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa hai bên. Dù một số người cho rằng điều đó chắc chắn có lợi cho Nga khi có thêm thời gian chuẩn bị cho các chiến dịch tương lai, Ukraine cũng có thể được hưởng lợi để củng cố lực lượng, phòng tuyến và tăng cường sản xuất vũ khí.
Dù không thấy nhiều triển vọng lạc quan, quan chức Ukraine vẫn đánh giá cao việc hai bên nối lại đàm phán trực tiếp. “Thực sự là phép màu lớn khi hai bên quay lại đối thoại sau hơn ba năm xung đột”, quan chức Ukraine nói.
Thùy Lâm (Theo Guardian, Kyiv Independent)