Hiện một số cảng cá bị bồi lấp, mặt nước ra vào bị lấn chiếm, hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc ra vào để bán hải sản.

Thương lái thu mua cá tại cảng cá Đề Gi (H.Phù Cát)
ẢNH: HẢI PHONG
Đơn cử, tại cảng cá Đề Gi (H.Phù Cát), hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn nên gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Luồng lạch ra vào cảng rất hẹp, do một số ngư dân lấn chiếm đặt lồng bè nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến tàu thuyền ra vào cảng. Còn cảng cá Tam Quan liên tục bị bồi lấp khiến ngư dân gặp khó mỗi khi ra vào cảng, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần nạo vét, khơi thông dòng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại cảng cá Đề Gi, hoạt động mua bán hải sản diễn ra rất sôi động, hằng ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào để đi đánh bắt và bán hải sản. Nước thải do mua bán hải sản không được xử lý triệt để nên bốc mùi hôi thối, cống nước thải trong cảng cá bị ứ đọng, sùi bọt. Phía trước cảng có rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản, chiếm hết diện tích mặt nước, gây khó cho tàu thuyền ra vào.

Nước thải ứ đọng ở cảng cá Đề Gi, bốc mùi hôi thối
ẢNH: HẢI PHONG
Ngư dân Dương Chí Xứ (ở TT.Cát Khánh, H.Phú Cát) cho biết, các thủ tục liên quan đến tàu cá mỗi khi ra vào cảng làm rất nhanh, nhưng có một số việc khiến ngư dân địa phương bức xúc. Ban quản lý (BQL) cảng cá Đề Gi quy định từ 18 – 22 giờ cảng cá phải đóng cửa. Nhiều trường hợp ngư dân vào cảng bán hải sản đúng khung giờ cấm, BQL cảng cá không cho bán cá hoặc không cho xe chở đá lạnh vào cảng để chất lên tàu, khiến cá không được tươi, có thể bị ươn nên mất giá.
“Mỗi lần tiếp xúc cử tri, ngư dân ở TT.Cát Khánh đều ý kiến, nhưng vẫn không được giải quyết, bởi cơ quan chức năng cho rằng do an ninh trật tự không tốt nên phải cấm để giám sát. Một số ngư dân cho rằng, tất cả các cảng cá trên toàn quốc đều không cấm giờ ra vào cảng, nhưng tại Đề Gi lại cấm như vậy là không thỏa đáng. Yêu cầu cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển”, ngư dân Dương Chí Xứ nói.

Năm 2024, cơ quan chức năng nạo vét luồng lạch để tàu thuyền ra vào cảng cá Tam Quan (TX.Hoài Nhơn, Bình Định)
ẢNH: HẢI PHONG
Còn theo ngư dân Bùi Thanh Ninh (69 tuổi, ở P.Tam Quan Bắc, TX.Hoài Nhơn, Bình Định), BQL cảng cá Tam Quan luôn tạo điều kiện cho ngư dân ra vào bán hải sản, chỉ có một vấn đề bất cập là luồng lạch liên tục bị bồi lấp, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần nạo vét. “Bây giờ chỉ có xây kè chắn sóng thì mới hết tình trạng bị bồi lấp. Mong các cơ quan chức năng sớm triển khai để ngư dân có điều kiện vươn khơi bám biển tốt hơn”, ngư dân Ninh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL cảng cá tỉnh Bình Định, cho biết việc cảng cá Đề Gi phải đóng cửa từ 18 – 22 giờ hằng ngày là để quản lý an ninh trật tự tại cảng cá, tránh tình trạng mất an ninh trật tự, vận chuyển mực xà lén lút đem về cơ sở chế biến gây ô nhiễm môi trường.

Mặt nước bị lấn chiếm nuôi trồng thủy sản khiến tàu thuyền ra vào cảng cá Đề Gi gặp khó
ẢNH: HẢI PHONG
Theo ông Thiện, BQL cảng cá Bình Định đã gửi báo cáo về việc điều chỉnh khung giờ hoạt động đến các cơ quan chức năng, địa phương, đồng thời phát thông báo đến bà con ngư dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động tại cảng cá Đề Gi. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường, có mùi hôi thối tại cảng cá là do hằng ngày rất nhiều loại thủy sản được vận chuyển mua bán tại cảng, đặc biệt là mực xà, cùng với hệ thống xử lý nước thải không đạt chuẩn nên bị ứ đọng nước bốc mùi hôi.
“Vấn đề ô nhiễm tại cảng cá Đề Gi, BQL cảng cá tỉnh Bình Định đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí để nâng cấp, sửa chữa cảng cá nhưng chưa có kinh phí nên chưa xử lý dứt điểm. Còn về luồng lạch bị các bè nuôi trồng thủy sản lấn chiếm gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, BQL đã kiến nghị chính quyền địa phương xử lý tình trạng này, vì quản lý mặt nước là do địa phương quản lý”, ông Thiện nói. (còn tiếp)