Luật BHXH sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) chính thức đánh dấu bước chuyển lớn khi mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc với 7 nhóm chưa từng hoặc chưa được đề cập đầy đủ quyền lợi theo luật BHXH 2014 (còn hiệu lực đến ngày 30.6.2025).
Đây là nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng trống an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra.
Căn cứ theo khoản 1, điều 2 của luật BHXH năm 2024 (so với khoản 1, điều 2 của luật BHXH 2014), Nhà nước mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm sau:
Thứ nhất, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ. Đây là lực lượng lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Trước đây, nhóm này có thể tham gia BHXH tự nguyện nếu muốn. Nay, theo quy định mới, các chủ hộ kinh doanh sẽ tự đóng BHXH bắt buộc trên mức thu nhập do mình lựa chọn (thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng).
Luật BHXH 2024 điều chỉnh căn cứ tính đóng một số chế độ BHXH khi thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” do Chính phủ quy định. Mức tham chiếu này sẽ được dùng để tính mức đóng và mức hưởng cho các chế độ BHXH có liên quan. Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, luật BHXH 2024 quy định mức tham chiếu bằng đúng mức lương cơ sở hiện hành. Do đó, tại thời điểm 1.7.2025, việc tính giới hạn tiền lương đóng BHXH, BHYT vẫn dựa trên 20 lần mức lương cơ sở. |
Thứ hai, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng lương, bao gồm các chức danh như thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước hoặc phần vốn doanh nghiệp tại các công ty và các chức danh quản lý được bầu khác… nếu không nhận lương.
Thứ ba, người lao động làm việc không trọn thời gian. Đây là những người làm việc theo hình thức bán thời gian, với tiền lương hằng tháng đạt mức tối thiểu phải đóng BHXH (bằng hoặc cao hơn mức lương đóng BHXH tối thiểu).
Thứ tư, người lao động có “hợp đồng” không mang tên hợp đồng lao động nhưng có tính chất của quan hệ lao động.
Đây là trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên…
Trước đây, luật BHXH 2014 chỉ quy định đóng BHXH cho hợp đồng lao động (từ 1 tháng trở lên) và trên thực tế, có một số đơn vị ký “hợp đồng khoán việc”, “hợp đồng dịch vụ” nhằm né tránh BHXH.

Luật BHXH 2024 mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc sang các nhóm lao động và chức danh mà trước đây chưa được tham gia hoặc chưa được hưởng đầy đủ chế độ
ẢNH: NGUYỄN ANH
Thứ năm, lực lượng dân quân thường trực (lực lượng dân quân tự vệ hoạt động dài hạn tại địa phương).
Thứ sáu, người hoạt động không chuyên trách cấp xã (xã, phường, thị trấn). Nhóm này vốn đã tham gia BHXH bắt buộc theo luật BHXH 2014 nhưng chỉ giới hạn ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất (đóng BHXH trên mức phụ cấp, không được hưởng các chế độ ngắn hạn).
Luật BHXH 2024 đã mở rộng quyền lợi cho nhóm này kể từ khi 1.7.2025, họ được tham gia BHXH bắt buộc và thụ hưởng đầy đủ mọi chế độ như người lao động bình thường (bao gồm cả ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp).
Tuy nhiên, theo Công văn 03 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vào ngày 15.4, bộ máy sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay, kể từ ngày 1.8.2025.
Chính quyền địa phương được giao xem xét, có thể sắp xếp, bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố và thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Thứ bảy, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Theo luật BHXH 2014, nhóm này không được đề cập.
Hiện theo khoản 6, điều 33 Nghị định 33/2023 của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng. Trường hợp luật có quy định khác thì thực hiện theo quy định của luật đó.
Ngoài ra, theo Công văn 03, Nhà nước tiếp tục xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính; trước mắt giữ nguyên các thôn, tổ dân phố hiện có.
Sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.