Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Lừa dối khách hàng bị xử lý ra sao?

Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Lừa dối khách hàng bị xử lý ra sao?

bởi

trong
Từ vụ hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Lừa dối khách hàng bị xử lý ra sao?

Thùy Tiên (bìa trái) tại cơ quan điều tra – Ảnh: BỘ CÔNG AN

Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam với vai trò đồng phạm với nhóm thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt liên quan sản phẩm kẹo rau củ Kera.

Vậy lừa dối khách hàng là gì, đã có ai bị xử vì tội này chưa?

Tội lừa dối khách hàng là gì?

Theo luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư Hà Nội), tội lừa dối khách hàng hiện nay được quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự).

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tội lừa dối khách hàng thuộc loại tội phạm nghiêm trọng – tức là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm lớn cho xã hội.

Về cấu thành tội phạm đối với tội lừa dối khách hàng, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính tối thiểu từ 5 triệu đồng là đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng.

Đồng thời tùy theo tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và số tiền đã thu lợi bất chính mà người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Ngoài các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng (nếu không áp dụng là hình phạt chính), cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Trần Thị Ngân Hà (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng sản xuất hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người đã và đang là hành vi bị lên án và bị pháp luật trừng trị rất nghiêm khắc.

Không chỉ người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hàng giả mà người kinh doanh, quảng cáo gian dối cũng không vô can, đặc biệt là người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Nếu người nổi tiếng tham gia việc quảng cáo sản phẩm sai sự thật hoặc gây hiểu lầm sẽ dễ khiến người tiêu dùng tin tưởng mua hàng, dù sản phẩm đó không đạt chất lượng như quảng cáo. Điều này không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng.

Nhiều hành vi bị khép tội lừa dối khách hàng

Thực tế hiện nay việc cơ quan điều tra khởi tố, sau đó là viện kiểm sát truy tố và tòa án xét xử các vụ án liên quan tội lừa dối khách hàng khá phổ biến. Trong đó các vụ án liên quan các hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa phổ biến hơn cả.

Đơn cử như vụ án xét xử đối với bị cáo Đức T. là nhân viên Công ty TNHH X. đã thuê H. và K. sử dụng hai xe tải chở sắt phế liệu, có gia cố thêm két rỗng chứa nước bí mật trên thân xe.

Trước khi cân xác xe, H. và K. bơm nước vào két để nâng trọng lượng xe, sau khi cân xe xong sẽ xả nước ra rồi chất phế liệu lên xe tiếp tục cân lại lần hai để tính khối lượng sắt nhằm chiếm đoạt số sắt phế liệu chênh lệch.

TAND huyện Nhơn Trạch tuyên phạt H. và K. mỗi người 20 triệu đồng, phạt T. 9 tháng 21 ngày cải tạo không giam giữ về tội lừa dối khách hàng.

Hay như trong một vụ án khác ở Trà Vinh, Lương Văn H. và Nguyễn Thanh T. do mua bán tôm bị thua lỗ nên đã bàn bạc với nhau việc tìm người biết tác động vào cân đồng hồ để thực hiện hành vi gian dối trong lúc cân tôm khi thu mua tôm từ các hộ nuôi tôm. H. và T. nhờ C. và L. tác động vào cân để cân tôm gian dối, chiếm đoạt 463 triệu đồng.

Tòa án đã tuyên phạt H. và T. 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, C. và L. 1 năm 6 tháng tù treo về tội lừa dối khách hàng.

Theo luật sư Liêu, mặc dù hiện nay không có văn bản nào hướng dẫn về “thủ đoạn gian dối khác”, nhưng thực tiễn xét xử đã có một số vụ án xét xử về tội danh này với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin pháp lý dự án nhà ở hình thành trong tương lai… để ký hợp đồng và nhận tiền thanh toán của người mua, thu lợi bất chính.

Trong các vụ án này, quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi nêu trên là “thủ đoạn gian dối khác” quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự.

Ví dụ vụ án của ông Lê Thanh Thản xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng. Hay mới đây nhất là vụ án lừa dối khách hàng xảy ra tại dự án KDC Tân Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đối với bị cáo Nguyễn Khánh Hưng, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bảy bị cáo từ án treo đến 16 tháng tù về tội lừa dối khách hàng.

Như vậy có thể thấy phạm vi áp dụng điều 198 để điều tra, truy tố, xét xử đối với những người bị cáo buộc đã thực hiện hành vi gian dối khách hàng là khá rộng.

Ngoài những hành vi được liệt kê cụ thể như cân, đo, đong, đếm, tính gian thì điều luật còn mở rộng đối với “thủ đoạn gian dối khác” và việc áp dụng điều luật này gồm cả các giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ.

Loại hình phạt áp dụng đối với người phạm tội cũng đa dạng, có thể bị phạt cảnh cáo; phạt tiền; phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Vụ kẹo rau củ Kera: khám xét nơi ở của Thùy Tiên

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021) về tội lừa dối khách hàng, khởi tố bị can đối với bốn người là lãnh đạo trong Công ty cổ phần Asia Life cùng về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm.

Cơ quan điều tra xác định kẹo Kera là của Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt hợp tác làm ăn chung. Trong đó Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn tương đương 30%, còn các cổ đông còn lại góp 70%.

Sau khi công bố việc khởi tố và bắt giam Thùy Tiên, sáng 20-5 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao và các cơ quan chức năng đã khám xét nơi ở của bị can tại 132 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM.

Trước đó vào ngày 3-4-2025, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam năm bị can, trong đó có Nguyễn Phong (chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life) về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm; bốn người là lãnh đạo, cổ đông Công ty Chị Em Rọt gồm Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục, chủ tịch HĐQT), Lê Tuấn Linh (giám đốc, đại diện pháp luật), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, cổ đông, thành viên HĐQT) và Lê Thành Công (cổ đông, thành viên) cùng về tội lừa dối khách hàng.