Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân trắng tay vụ xuân

Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân trắng tay vụ xuân

bởi

trong

Nhiều cánh đồng lúa không kết hạt

Nghệ An đang vào mùa thu hoạch vụ lúa xuân, nhưng không khí trên nhiều cánh đồng những ngày này trở nên nặng trĩu, khi nhiều ruộng lúa không được gặt hái. 

“Nhà tôi có 3 sào ruộng, năm nay gieo cấy giống lúa Hà Xuyên. Lúa phát triển tốt, bông nhiều, nhưng toàn lép, mỗi bông chỉ vài ba hạt có nhân”, bà Nguyễn Thị Xinh (ngụ xóm 5, xã Diễn Nguyên, H.Diễn Châu, Nghệ An) buồn bã nói.

Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân trắng tay vụ xuân

Những thửa ruộng ở H.Diễn Châu không được thu hoạch vì lúa không kết hạt

ẢNH: K.HOAN

Không muốn thu hoạch vì tiền thuê máy gặt cao hơn số lúa thu được, bà Xinh đang dự định sẽ thuê máy bừa đến dập lúa để làm vụ mới. 

“Nhiều gia đình đã thuê máy dập rồi, dập lúa xuống bùn cho đỡ công cắt lúa và để làm phân bón luôn, không thu hoạch nữa”, bà Xinh chỉ tay về những thửa ruộng lúa đã “hạ giải”, nói.

Hàng xóm với bà Xinh là bà Nguyễn Thị Chín cũng có 5 sào ruộng, năm nay gieo cấy 3 sào giống lúa Hà Xuyên nhưng lúa kết hạt rất ít. Bà Chín cho hay, các năm trước, mỗi sào gia đình bà thu được 4 tạ lúa, nhưng năm nay, nhiều diện tích lúa bị mất mùa khiến người dân rất bất ngờ. 

“Nhiều năm qua, chưa có năm nào thấy mất mùa như năm nay. Năm ngoái, nhiều gia đình trong xóm tôi gieo cấy giống lúa này, thấy rất được mùa nên năm nay tôi làm thử. Mấy bữa trước, phía công ty cung cấp giống đã về đây kiểm tra. 

Nhiều người nói do gieo cấy sớm quá, lúa trổ bông gặp thời tiết xấu, tôi không biết do đâu, nhưng rất tiếc công sức và tiền của đã bỏ ra mà không được thu hoạch”, bà Chín thở dài.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Khương (xã Diễn Nguyên) có 4 sào ruộng, mùa này 3 sào coi như mất trắng, chỉ thu hoạch được 1 sào lúa thuần, trổ bông sau ngày 15.4. 

“3 sào lúa Hà Xuyên trổ sớm gặp rét, cây lúa vẫn nhiều bông, lúa vẫn phơi màu nhưng không cúi được, bông rất nhiều hạt nhưng bóp thấy toàn hạt lép, không ngậm sữa, không có nhân”, ông Khương nói.

Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân tay trắng vụ xuân - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Xinh buồn bã khi cả 3 sào ruộng của gia đình vụ này không có thu hoạch

ẢNH: K.HOAN

Lúa không kết hạt gạo, một số gia đình tiếc của đã cắt phần bông và tập trung bón phân, chăm sóc để lúa tái sinh (lúa chét) nhằm vớt vát. Với cách làm này, sau khoảng 20 ngày, lúa sẽ trổ bông, sau đó khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, tuy nhiên sản lượng không cao.

Ông Đàm Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, cho biết trên địa bàn có khoảng 20 ha lúa gần như mất trắng. Giống lúa bị mất mùa không nằm trong cơ cấu giống cây trồng của xã mà do người dân tự chọn. Theo ông Chính, nguyên nhân mất mùa được nhận định có thể do thời tiết.

Ông Đào Xuân Tú, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Diễn Nguyên, lý giải thêm rằng, nhiều cánh đồng của xã bị bùn sâu nên người dân ở đây thường gieo cấy trước lịch thời vụ của huyện. Diện tích bị mất mùa chủ yếu làm đòng và trổ bông ở thời điểm gặp rét. Không chỉ giống lúa Hà Xuyên, một số loại giống khác sản lượng cũng rất kém do trổ cùng thời kỳ.

“Diện tích này bắt đầu trổ bông từ ngày 10.4, những ruộng lúa trổ từ ngày 20.4 trở về sau bông lúa trổ rất dài và thoát, hạt chắc, chỉ một số ít diện tích bị thoái hóa đầu bông”, ông Tú nói.

Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân tay trắng vụ xuân - Ảnh 3.

Người dân cắt lúa bỏ ở bờ ruộng vì không có hạt

ẢNH: K.HOAN

Tại H.Yên Thành, “vựa lúa” của tỉnh Nghệ An, năm nay nhiều cánh đồng cũng trong tình trạng tương tự. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường H.Yên Thành, cho biết do thời tiết âm u, lạnh kéo dài, ngày nắng ít nên đã kéo dài thời gian sinh trưởng của cây lúa.

Một số diện tích lúa trổ gặp mưa rét, không có nắng nên trổ không bung thoát, bông lúa chỉ trổ được khoảng 5 – 7 cm trong khi bình thường lúa phải trổ thoát 20 – 30 cm. 

Thời gian trổ năm nay cũng kéo dài từ 10 – 15 ngày trong khi bình thường lúa chỉ trổ trong 5 – 7 ngày, nhiều diện tích bị thoái hóa đầu bông, hạt lép.

“Huyện xây dựng lịch thời vụ bắt đầu gieo cấy tập trung từ sau ngày 20.1, những vùng chạy lụt khuyến cáo gieo cấy trước từ 7 – 10 ngày, nhưng bà con vẫn gieo cấy trước lịch thời vụ này từ 10 – 15 ngày”, ông Hồng nói.

Lỗi do người dân và do… trời!

Theo ngành nông nghiệp Nghệ An, đến nay đã có trên 2.700 ha lúa được ghi nhận lép hạt, tập trung nhiều nhất ở H.Diễn Châu với 1.925 ha, TX.Thái Hòa 305 ha, H.Anh Sơn 193 ha, H.Yên Thành 150 ha…

Lúa không kết hạt, nhiều hộ nông dân tay trắng vụ xuân - Ảnh 4.

Một thửa ruộng ở xã Diễn Nguyên đã được hủy, không thu hoạch

ẢNH: K.HOAN

Qua kiểm tra, bước đầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An nhận định có nhiều nguyên nhân khiến lúa trổ không thoát, không kết hạt và tỷ lệ lép cao. Đó là do điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm quá lớn; nhiệt độ chênh lệch thay đổi nhanh; thời gian, cường độ chiếu sáng thấp, nhất là trong khoảng tháng 3 đến đầu tháng 4. 

Thời điểm lúa làm đòng, trổ bông đối với thời điểm trước ngày 15.4, đặc biệt trước ngày 10.4, nhiệt độ trung bình thấp hơn 7 – 10 độ C so với yêu cầu tối ưu. Số giờ nắng trung bình trong ngày thấp hơn cùng kỳ nhiều năm đã kìm hãm đà phát triển, sinh trưởng của cây lúa.

Nguyên nhân chủ quan là do nhiều vùng nông dân vẫn duy trì tập quán gieo cấy sớm, không tuân thủ lịch thời vụ, không tuân thủ cơ cấu giống của địa phương nên trổ bông sớm và gặp thời tiết bất lợi.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An tại hội thảo đánh giá tình hình sản xuất lúa vụ xuân 2025 tổ chức ngày 19.5, vụ xuân 2025 Nghệ An gieo cấy trên 91.000 ha lúa, trong đó hơn 40.000 ha gieo cấy trước khung thời vụ từ 10 – 15 ngày. Một số nơi gieo cấy trước 22 – 30 ngày. 

Ngoài ra, nguyên nhân khiến lúa bị mất mùa còn do 8 loại giống không nằm trong cơ cấu của địa phương nhưng vẫn được đưa vào gieo cấy.

Ngoài việc không tuân thủ lịch thời vụ, ngành nông nghiệp Nghệ An cũng xác định thời tiết cực đoan là nguyên nhân chính dẫn đến mất mùa.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An, thời tiết là điều bất khả kháng nhưng để người dân gieo cấy trước khung thời vụ quá nhiều ngày là trách nhiệm quản lý nhà nước và chuyên ngành, cần phải được làm rõ. 

Mặt khác, để tình trạng giống trôi nổi trên thị trường đưa vào gieo cấy cũng phải xem xét trách nhiệm của các địa phương.

Về việc hỗ trợ cho nông dân bị mất mùa, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, cho biết có 21 loại hình thiên tai được hỗ trợ. Việc lúa vụ xuân 2025 một số nơi bị mất mùa không thuộc các loại hình nêu trên.

Tuy nhiên, chi cục sẽ tiến hành rà soát lại để xem xét, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Môi trường báo cáo UBND tỉnh, nếu được sẽ hỗ trợ cho người dân.