
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng
Ngày 20-5, Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải (WHR) công suất 8.650kW. Đây được xem là một bước đột phá về công nghệ nhằm giảm phát thải CO₂, tiết kiệm năng lượng và đóng góp cho mục tiêu phát triển công nghiệp xi măng bền vững tại Việt Nam.
Theo đó, hệ thống WHR đã được công ty này vận hành thương mại chính thức tại Nhà máy sản xuất Xi măng Tân Thắng (tỉnh Nghệ An) từ ngày 30-4. Sau thời gian vận hành và bảo trì, đến nay hệ thống được công ty tiếp nhận đưa vào chuỗi sản xuất của nhà máy.
Ông Hoàng Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Thắng, cho biết việc phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng mang lại lợi ích.
Hệ thống có công suất thiết kế là 9.000kW cho dây chuyền sản xuất Clinker 5.000 tấn/ngày. Với công suất phát Gross 8.650kW và công suất phát NET đạt 8.035kW, giúp tiết kiệm khoảng 1/3 lượng điện năng tiêu thụ cho toàn bộ nhà máy.
Đây không chỉ là một bước tiến đáng kể về mặt công nghệ mà còn mang lại kinh tế cao với thời gian thu hồi vốn chỉ khoảng 6 năm.


Hệ thống thu hồi nhiệt từ quá trình phát thải tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng đã tạo ra điện năng để tái phục vụ sản xuất

Với việc dùng nhiệt khí thải để phát điện, mỗi năm Nhà máy Xi măng Tân Thắng sẽ tiết kiệm được khoảng 80 tỉ đồng tiền điện.
Hệ thống mang lại “lợi ích kép” trong hiệu quả sử dụng năng lượng: Vừa tiết kiệm 25-30% lượng điện phải mua từ EVN, giúp nhà máy giảm 78-80 tỉ đồng mỗi năm; vừa góp phần không nhỏ cho an ninh năng lượng và giảm áp lực cho hệ thống truyền tải điện quốc gia – nhất là trong mùa cao điểm.
Đây cũng là nền tảng quan trọng để Tân Thắng đạt điều kiện đề nghị cấp nhãn “xi măng xanh”, tiến tới sản xuất đại trà các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương khoảng 1,96 – 2 triệu tấn xi măng/năm
Đại diện nhà thầu Công ty Shanghai Conch Kawasaki Engineering Co., Ltd, cho hay đã cung cấp hơn 300 dây truyền, thiết bị hiện đại các loại. Với dự án WHR tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng, ngoài các dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn, nhà thầu Shanghai Conch Kawasaki Engineering lần đầu tiên đưa vào hệ thống nồi hơi nước áp lực cao thế mới.
Hệ thống này cho hiệu suất phát điện cao hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường. Quá trình triển khai đơn vị này cũng nỗ lực để rút ngắn thời gian thi công từ 15 tháng xuống còn 9,5 tháng (vượt 5,5 tháng so với hợp đồng).
Ông Nguyễn Quang Cung – chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam – nhấn mạnh: Hệ thống phát điện nhiệt khí thải của Nhà máy Xi măng Tân Thắng là hệ thống được lắp đặt đồng bộ nhất, cho hiệu suất tốt nhất trong số các hệ thống mà tôi đã từng tham quan tại các nhà máy ở nước ta.
Đây là kết quả của việc làm tốt công tác quy hoạch nhà máy, lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu, quản lý dự án. Việc đưa vào sử dụng hệ thống phát điện nhiệt khí thải không chỉ giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí tiêu thụ điện, mà còn góp phần rất lớn trong vấn đề bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển xanh.
Dự án không chỉ góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cam kết đưa phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.
Công nghệ thu hồi nhiệt phát điện được kỳ vọng sẽ tạo nên mô hình sản xuất tiêu biểu, có thể nhân rộng trong ngành xi măng, một trong những ngành tiêu thụ năng lượng và phát thải lớn tại Việt Nam.