Quân đội Mỹ nhận radar chuyên đối phó tên lửa siêu vượt âm

Quân đội Mỹ nhận radar chuyên đối phó tên lửa siêu vượt âm

bởi

trong

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ tiếp nhận radar cảnh báo sớm AN/TPY-2 nâng cấp, được cho là có khả năng phát hiện tên lửa siêu vượt âm.

Tập đoàn quốc phòng Raytheon ngày 20/5 thông báo đã bàn giao cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đài radar cảnh giới mảng pha AN/TPY-2 đầu tiên sử dụng hoàn toàn phần tử thu phát chế tạo bằng gali nitride (GaN).

Các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho biết GaN là vật liệu bán dẫn có mật độ công suất cao, giúp tăng đáng kể năng lực radar. Phiên bản AN/TPY-2 dùng phần tử GaN sẽ có độ nhạy lớn hơn và phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách xa gấp đôi so với những mẫu sử dụng phần tử gali arsenua trước đó.

Raytheon khẳng định gói nâng cấp mới nhất sẽ cải thiện độ nhạy, tầm phát hiện và năng lực giám sát của radar AN/TPY-2, nhưng không nêu thông số cụ thể.





Quân đội Mỹ nhận radar chuyên đối phó tên lửa siêu vượt âm

Radar AN/TPY-2 bản nâng cấp trong bức ảnh đăng ngày 20/5. Ảnh: RTX

Công ty nhấn mạnh phiên bản này có thể hỗ trợ nhiệm vụ đối phó tên lửa siêu vượt âm, bên cạnh chức năng truyền thống là phát hiện và bám bắt tên lửa đạn đạo trong nhiều giai đoạn bay. “Radar còn được cài đặt phần mềm hiệu suất cao CX-6, mang đến khả năng phân biệt mục tiêu chính xác hơn và có thể chống lại các cuộc tấn công điện tử”, Raytheon cho hay.

AN/TPY-2 là radar chủ lực của Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một trong những tổ hợp phòng không hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ.

Nhiều công ty quốc phòng trên thế giới đang đẩy mạnh phát triển khí tài dựa trên vật liệu GaN. Tập đoàn Raytheon năm ngoái bắt đầu sản xuất radar thuộc Hệ thống Phòng không và Phòng thủ Tên lửa Tầm thấp (LTAMDS) cho lục quân Mỹ. Các phần tử thu phát của nó được làm từ vật liệu GaN và dự kiến thay thế radar hỏa lực hiện nay của tổ hợp phòng không Patriot.

Giới chức Mỹ nhiều năm qua thúc đẩy nỗ lực phát triển những lá chắn có năng lực đánh chặn tên lửa siêu vượt âm, do cả hai đối thủ lớn của nước này là Nga và Trung Quốc đều đã biên chế loại vũ khí này.

Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h. Những vũ khí bay nhanh hơn vận tốc âm thanh nhưng không đạt ngưỡng Mach 5 thường chỉ được gọi là tên lửa siêu thanh.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại. Đối phương cũng có ít thời gian phản ứng trước vũ khí siêu vượt âm, không kịp triển khai lực lượng đánh chặn hoặc sơ tán.

Phạm Giang (Theo Business Insider, Bulgarian Military)