Giải ngân 100% đầu tư công, tại sao không?

Giải ngân 100% đầu tư công, tại sao không?

bởi

trong
Giải ngân 100% đầu tư công, tại sao không?

Giải ngân đầu tư công chậm trễ có thể nói là căn bệnh nghịch lý nhưng kinh niên của nền kinh tế. Nghịch lý bởi một mặt ngân sách không đủ vốn để thực hiện nhiều dự án trọng điểm, một mặt là vốn được bố trí nằm sẵn đó nhưng lại không giải ngân được. Càng nghịch lý hơn khi đầu tư công, vốn đóng vai trò dẫn dắt và là động lực tăng trưởng, lại luôn ì ạch, chậm trễ, gây tác động dây chuyền đến huy động các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Một nghịch lý không thể không nhắc tới là giữa ý chí, quyết tâm và thực hiện luôn tồn tại khoảng trống lớn. Bốn tháng đầu năm nay, năm bản lề để kinh tế VN chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, cũng không ngoại lệ khi giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 là 16,64%.

Trong khi đó, chúng ta đều biết đầu tư công đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như là “vốn mồi” để kích hoạt, huy động và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Nhìn từ tổng cầu, đầu tư công đang chiếm khoảng 30% cơ cấu GDP và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong năm nay. Đặt trong tổng thể đó, giải ngân đầu tư công chậm đồng nghĩa với nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sẽ bị chậm tiến độ, mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025 và 2 con số những năm sau sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thực hiện được nhiệm vụ này không? Câu trả lời là có, hoàn toàn có thể. Bởi song song với yêu cầu giải ngân 100% vốn công, Thủ tướng cũng đặt ra nhiều giải pháp cụ thể đến từng dự án chậm, từng địa phương chậm, phân tích mổ xẻ từng nguyên nhân dẫn đến chậm trễ để tháo gỡ. Thời gian qua, đích thân người đứng đầu Chính phủ liên tục thị sát, động viên cán bộ, công nhân viên ở nhiều dự án trọng điểm, có dự án Thủ tướng thăm tới 5 – 7 lần. Nhờ thế, chúng ta đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Đơn cử, dự án đường dây 500 kV mạch 3 vốn đầu tư gần 1 tỉ USD, kéo điện ra miền Bắc, khánh thành nửa cuối năm 2024. Còn nhớ khi ấy, miền Bắc xảy ra thiếu điện cục bộ, ảnh hưởng tới đời sống người dân và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải gấp rút hoàn tất dự án trong 6 tháng. Đó là thời gian “không tưởng” bởi thông thường, chúng ta phải thực hiện trong vài năm. Thế nên, ngay những người nhận nhiệm vụ cũng lo lắng và thực tế, nhiều thời điểm tưởng chừng như không thể vượt qua. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng có 10 lần chủ trì các cuộc họp, đến trực tiếp công trường kiểm tra, đôn đốc, đề nghị ngành điện thi công với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc “3 ca, 4 kíp, liên tục 24/7″… Và kỳ tích đã xảy ra. Dự án đã về đích đúng tiến độ với rất nhiều kỷ lục. Quan trọng hơn, dự án đã góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với các cam kết của Chính phủ.

Thời điểm hiện nay còn quan trọng hơn, mục tiêu còn lớn lao hơn, chúng ta đang chuẩn bị “hành trang” cho mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đảng và Nhà nước cũng vừa triển khai “Bộ tứ trụ cột” là các nghị quyết đột phá để đưa đất nước cất cánh trong thời gian tới. Giải ngân 100% vốn đầu tư công cũng để góp phần vào mục tiêu đó, không có lý do gì không thực hiện được.