Xử phạt giao thông: Phạt đủ, phạt đúng như hiện nay cũng ‘rén’ rồi

Xử phạt giao thông: Phạt đủ, phạt đúng như hiện nay cũng ‘rén’ rồi

bởi

trong
Xử phạt giao thông: Phạt đủ, phạt đúng như hiện nay cũng ‘rén’ rồi

Cảnh sát giao thông xử phạt một tài xế vi phạm khi lái xe trên đường ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ trích hai ý kiến bạn đọc bàn thêm việc tăng hay giữ nguyên mức phạt giao thông hiện nay.

Phạt đúng, phạt đủ

Một tài xế ô tô dừng đèn đỏ lấn qua vạch kẻ đường, bị phạt theo hành vi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, với mức phạt 20 triệu đồng. Cùng lúc đó trên nghị trường, một số đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức phạt vi phạm về an toàn giao thông tối đa 250 triệu đồng, ở các thành phố lớn về những hành vi gây nguy cơ tai nạn cao.

Từ khi nghị định 168 với mức phạt mới, trật tự giao thông, nhất là ở các đô thị, chuyển biến rõ rệt. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cải thiện tích cực.

Các quy định xử phạt trước tiên nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở người tham gia giao thông tự thay đổi, đi đường đúng luật. Đối với những lỗi cố ý, dĩ nhiên phạt theo quy định của pháp luật, người vi phạm sẽ phải tâm phục khẩu phục. 

Luật pháp nghiêm khắc song cũng nhân văn. Ở TP Hà Nội từng có một trường hợp người lái ô tô bất đắc dĩ phải vượt đèn đỏ, để dừng lại ngay sau đó hỗ trợ người bị tai nạn trên đường. Cộng đồng đã dành cơn mưa lời khen cho hành động đẹp của tài xế và cơ quan chức năng đã không xử phạt “nguội”.

Việc tài xế dừng xe chờ đèn đỏ và bánh xe lấn qua lằn ranh một chút nhiều khi là điều ngoài ý muốn. Về hành vi, tài xế chiếc xe chủ động dừng nhưng lỡ cán vạch một chút khác hẳn với hành vi cố tình chạy lên trên vạch mới dừng xe hoặc cố vượt khi đèn đỏ.

Nguy cơ gây mất an toàn giao thông giữa hai trường hợp kể trên cũng khác nhau. Người đi bộ (nếu có) tránh qua chiếc ô tô đã dừng hẳn, sẽ đơn giản hơn khi họ đối mặt nguy hiểm khi có ô tô nào đó đang cố vượt lên. 

Tương tự không ít người điều khiển xe gắn máy cũng vi phạm lỗi này. Thậm chí trong nhiều tình huống, lực lượng chức năng có mặt tại chỗ cũng chỉ nên nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Giúp người tham gia giao thông nhận ra thiếu sót để sửa chữa cũng là cách mang lại hiệu quả tốt.

Đề nghị tăng mức phạt vi phạm an toàn giao thông lên gấp nhiều lần so với hiện nay cũng đều xuất phát từ mong muốn đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Tuy nhiên, mức phạt quá cao có thể tái diễn tình trạng bỏ xe. Điều này đã từng gặp khi kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích. Tiền phạt quá cao cũng có thể dẫn đến hệ lụy khác.

Giữ an toàn giao thông, quan trọng nhất vẫn là ở khâu thực thi pháp luật. Cần duy trì thường xuyên, liên tục, xem việc tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như chuyện thường ngày. Phạt đủ, phạt đúng thì mức phạt như hiện nay cũng đủ thấm để người cầm lái “rén”. 

Phạt nóng kết hợp với phạt nguội qua hệ thống camera giám sát và camera “chạy bằng cơm” cũng là một cách tốt tăng cường giám sát. Từ đó người đi đường sẽ thay đổi ý thức. Phòng ngừa vi phạm để kéo giảm vi phạm là phương pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả cao.

Tiếp tục sử dụng “thanh kiếm” 168 cũng đủ làm thay đổi dần ý thức của người tham gia giao thông và văn hóa giao thông.

Tăng nặng với hành vi cố ý, bất chấp

Tại diễn đàn Quốc hội cũng còn có ý khác nhau về việc tăng mức phạt vừa được đề xuất. Cao bao nhiêu là đủ, thấp thế nào là vừa? Theo tôi, cao hay thấp ở mức không “quá sức” để người vi phạm có thể đóng phạt, xóa đi cảnh năn nỉ xin cho hay khi mắc lỗi hay bỏ luôn phương tiện vi phạm.

Liên quan đến vấn đề này, tôi được biết từ năm 1995 đến nay mức phạt đã từng tăng nhiều lần và mức hiện nay cũng không phải là thấp. Thay vì tăng thêm mức phạt, nên tăng các biện pháp phạt bổ sung (giam giữ phương tiện, giấy phép lái xe).

Muốn lập lại trật tự an toàn giao thông bền vững lâu dài thì việc quan trọng nhất là xử lý nghiêm và thường xuyên. Một người nộp phạt, nhiều người rút kinh nghiệm. Xử lý vi phạm (từ nhắc nhở cho đến mức phạt nặng nhẹ khác nhau) kiểu mưa dầm thấm lâu, chứ không đẩy ai đến khó khăn nợ nần vì nộp phạt. 

Quy định pháp luật để răn đe cảm hóa giáo dục con người là chính, gắn liền với mục đích cao cả là đem lại bình yên cho xã hội. Làm được như vậy chắc chắn dư luận sẽ đồng tình ủng hộ.

Việc xử phạt nặng nên đánh vào những hành vi liều lĩnh, cố tình cố ý, bất chấp luật pháp, xem thường tính mạng, tài sản của mình và người khác, như phóng nhanh giành đường, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lấn trái…