Bí quyết để không bị “khớp” khi thi năng khiếu

Bí quyết để không bị “khớp” khi thi năng khiếu

bởi

trong

Trước khi kỳ thi năng khiếu diễn ra, Vòng Thảo Nhi, thủ khoa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2024, có những lưu ý hữu ích dành cho thí sinh.

Thảo Nhi cho biết có nhiều bạn luyện tập ở nhà chắc tay rồi nhưng khi vào phòng thi lại bị run, dẫn đến vẽ sai tỷ lệ, dựng hình lệch. “Bị “khớp” là khi tâm lý bị chi phối vì áp lực không gian, thời gian, hoặc ngồi kế những bạn vẽ siêu giỏi… khiến các bạn run tay, không biết vẽ như thế nào. Đây là chuyện rất thường gặp, hầu hết các bạn đều sẽ trải qua cảm giác bị “khớp” như vậy khi vào phòng thi”, Thảo Nhi nhận định.

Bí quyết để không bị “khớp” khi thi năng khiếu

Thủ khoa Vòng Thảo Nhi

ẢNH: NVCC

Nói rõ hơn về các nguyên nhân dẫn đến bị “khớp” khi thi năng khiếu, thủ khoa Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2024 cho biết đầu tiên là do thí sinh không quen với phòng thi. “Vào phòng thi rất đông người, không ai nói chuyện với ai, chỉ có tiếng bút chì vẽ trên giấy. Nếu không quen, bạn sẽ dễ bị áp lực bởi không khí đó. Cách khắc phục của mình là nên luyện tập trong không gian đông người trước. Những lớp luyện thi thường cho bạn vẽ mẫu trong không gian đó, cho nên mọi người cũng có thể làm quen trước từ những lớp luyện thi. Hoặc các bạn có thể tự tạo không gian đó ở nhà để luyện”, Thảo Nhi gợi ý.

Nguyên nhân thứ 2 là từ áp lực thời gian. Thảo Nhi nói 5 tiếng đồng hồ vẽ màu thường mọi người nghĩ là dài, nhưng thật ra sẽ trôi qua rất nhanh. Nếu không chia được thời gian dành cho từng phần dễ dẫn đến bị vẽ chi tiết mà thiếu tổng thể, và cuối cùng bài vẽ không được hoàn thiện. Cách khắc phục của Thảo Nhi là khi tập vẽ ở nhà hãy luôn bấm giờ, và nên đặt 5 tiếng đồng hồ như trong phòng thi, sau đó chia mốc thời gian cụ thể để làm bài. “Các bạn phải nhớ chừa thời gian làm khô bài thi vẽ của mình, để khi giám khảo thu không bị dính với bài của thí sinh khác, làm bài thi của mình dễ bị lem nhem”, Thảo Nhi lưu ý.

Chiến thuật ôn thi hiệu quả 72 giờ trước kỳ thi giúp thí sinh tự tin hơn - Ảnh 2.

Thảo Nhi khuyên thí sinh đừng quá lo lắng mà hãy giữ tâm lý thoải mái nhất để đi thi

ẢNH: NVCC

Một nguyên nhân nữa đến từ việc so bài với người bên cạnh. “Lúc vẽ đôi khi mình sẽ nhìn qua nhìn lại và thấy bài của bạn kế bên tốt quá, điều này cũng làm bản thân bị tâm lý. Cách khắc phục là hãy tập trung vào bài của mình. Mỗi người có một cách vẽ, quan trọng là mình vẽ đúng với hướng mà bản thân đã luyện, không cần phải quá áp lực về người khác”, Thảo Nhi chia sẻ.

Thảo Nhi cũng cho biết đôi khi sẽ xảy ra một số sự cố khi làm bài thi, như bị nhăn giấy, màu bị lem, mẫu đổi dáng, dựng hình sai… Và những sự cố này dễ làm bạn bị hoảng. Cách xử lý của Thảo Nhi là phải giữ tinh thần vững vàng. “Nếu dựng hình sai, bạn có thể lùi ra xa một xíu, nhìn tổng thể bài của mình và đối chiếu với mẫu xem bản thân đã đánh sai những tỷ lệ nào, sau đó điều chỉnh cho hợp lý. Các bạn phải cố gắng ưu tiên dựng hình cho thật chắc, vì đây là phần quan trọng nhất trong bài vẽ hình họa”, Nhi nói.

Để giữ vững tâm lý, Thảo Nhi chia sẻ một số kinh nghiệm như trước ngày thi nên ngủ đủ, ăn uống bình thường, đừng ăn đồ lạ. Chuẩn bị trước các vật dụng cần thiết, đặc biệt là họa cụ. Không phải vội vã vào phút cuối thì tâm lý cũng sẽ vững hơn.

“Bạn cũng đừng lo lắng rằng sẽ không kịp thời gian làm bài. Ở bên ngoài mình vẽ bài đó cần nhiều thời gian, nhưng khi vào phòng thi áp lực thời gian đôi khi sẽ thôi thúc bạn vẽ vượt qua khả năng của mình. Chính vì thế, các bạn đừng quá lo lắng mà hãy giữ tâm lý thoải mái nhất để đi thi”, Thảo Nhi gửi gắm.

Chiến thuật ôn thi hiệu quả 72 giờ trước kỳ thi giúp thí sinh tự tin hơn - Ảnh 3.