Phần đáy chiến hạm Triều Tiên bị nghiền nát do sự cố khi hạ thủy, ông Kim Jong-un tức giận gọi đây là điều “không thể dung thứ”.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong-un hôm 21/5 tham dự lễ hạ thủy tàu khu trục có lượng giãn nước 5.000 tấn tại xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Chongjin, đông bắc nước này. Đây là chiến hạm 5.000 tấn thứ hai được Triều Tiên hạ thủy trong một tháng qua.
“Sự cố nghiêm trọng đã xảy ra trong quá trình hạ thủy, do chỉ huy thiếu kinh nghiệm và bất cẩn trong vận hành. Đà trượt ở đuôi tàu di chuyển trước kế hoạch và bị mắc kẹt. Một số phần đáy tàu bị nghiền nát, làm mất tính cân bằng của chiến hạm. Mũi tàu cũng không thể rời khỏi triền nghiêng”, KCNA cho hay.

Khu trục hạm Triều Tiên trong lễ hạ thủy tại xưởng đóng tàu ở thành phố Nampho ngày 25/4. Ảnh: KCNA
Lãnh đạo Kim Jong-un gọi sự cố này là “hành vi phạm tội hoàn toàn do cẩu thả và vô trách nhiệm, đáng lẽ không được xảy ra và không thể dung thứ”. Ông đã ra lệnh sửa chữa xong chiến hạm trước cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 6. Những biện pháp xử lý đối với các quan chức chịu trách nhiệm cũng sẽ được nêu ra trong cuộc họp này.
Triều Tiên hôm 25/4 hạ thủy chiếc đầu tiên thuộc lớp chiến hạm đa nhiệm Choe Hyon tại thành phố cảng Nampo, sau đó thử nghiệm thành công các loại tên lửa trang bị cho chiến hạm này. Giới chức Triều Tiên coi đây là tàu khu trục, trong khi các chuyên gia phương Tây đánh giá nó là tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng với lượng giãn nước không thua kém các mẫu chiến hạm tối tân ở châu Âu.
Chiến hạm được trang bị tổng cộng 74 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS), đặt trong hai cụm bệ phóng ở trước và sau thượng tầng. Để so sánh, hộ vệ hạm lớp Constellation đang được Mỹ phát triển chỉ có 32 ống phóng Mark 41, còn tàu khu trục lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước hơn 9.000 tấn được trang bị 90-96 ống.
Chiến hạm Triều Tiên cũng sử dụng nhiều loại ống phóng khác nhau, gồm 32 ống cỡ nhỏ, 12 cỡ trung, 20 ống cỡ lớn và 10 ống rất lớn. Thiết kế này phức tạp hơn nhiều so với một loại ống phóng thống nhất như Mark 41 của Mỹ, nhưng có thể giúp tối ưu hóa số lượng và chủng loại tên lửa mang theo.
Huyền Lê (Theo KCNA, AFP, Reuters, Yonhap)