Dùng chỉ số KPI để đánh giá cán bộ, công chức là hướng đi đúng đắn

Dùng chỉ số KPI để đánh giá cán bộ, công chức là hướng đi đúng đắn

bởi

trong
Dùng chỉ số KPI để đánh giá cán bộ, công chức là hướng đi đúng đắn

Người dân sau khi làm thủ tục hành chính tại UBND quận 4 (TP.HCM) đánh giá hài lòng công chức xử lý hồ sơ – Ảnh minh họa: TỰ TRUNG

Khi xây dựng được bộ chỉ số KPI cụ thể, chính xác, gắn với vị trí việc làm sẽ là căn cứ quan trọng để sàng lọc và loại bỏ những cá nhân làm việc thiếu hiệu quả, chậm trễ, năng lực yếu kém ra khỏi bộ máy, chấm dứt tình trạng “sống lâu lên lão làng” hay chế độ công chức suốt đời. Đồng thời sẽ khiến mỗi cán bộ, công chức “tâm phục khẩu phục” khi nhận bảng đánh giá.

Xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nhấn mạnh quy định trong dự thảo Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi sẽ hướng tới việc khắc phục tư duy “biên chế suốt đời”, chấm dứt chuyện vào được biên chế rồi là “không có ra”. Quan điểm của ông về việc này?

– Tôi hoàn toàn đồng tình với định hướng này. Bởi thực tế tư duy “biên chế suốt đời” là một trong những nguyên nhân làm bộ máy hành chính nhà nước hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn.

Thực tế khi một cán bộ, công chức biết rằng dù làm tốt hay không vẫn giữ được vị trí, vẫn được hưởng lương đều đặn sẽ rất dễ nảy sinh tâm lý ỷ lại, thiếu động lực phấn đấu, dẫn đến hiệu suất công việc thấp, thậm chí là trì trệ, hình thức. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động công vụ và niềm tin của người dân đối với bộ máy hành chính.

Do đó việc dự thảo Luật Cán bộ, Công chức sửa đổi lần này hướng tới việc khắc phục tư duy “biên chế suốt đời”, chấm dứt suy nghĩ vào được biên chế rồi là “không có ra”. Từ đó góp phần xây dựng một nền công vụ năng động, hiệu quả, đặt trách nhiệm và kết quả làm việc lên hàng đầu.

Trong đó dự thảo luật nêu rõ người đứng đầu cơ quan quản lý, sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá thực chất, phân định rõ mức độ xếp loại đối với công chức, bảo đảm sàng lọc và đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ. Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian thì cơ quan quản lý công chức sẽ xem xét bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc cho thôi việc nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Việc triển khai cần có lộ trình cụ thể, minh bạch, công khai, tránh gây tâm lý hoang mang hoặc hiểu lầm trong đội ngũ cán bộ công chức.

* Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào ứng dụng chỉ số KPI – chỉ số đánh giá hiệu suất công việc vốn được áp dụng thành công từ lâu ở khu vực tư – để áp dụng vào khu vực công. Ông đánh giá thế nào về việc đưa bộ chỉ số KPI vào khu vực công?

– Tôi cho rằng trong lần sửa đổi này, việc bổ sung thêm tiêu chí đánh giá cán bộ công chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI) vào khu vực công là đột phá và là bước đi đúng hướng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. KPI đã được chứng minh là công cụ hữu hiệu trong quản trị doanh nghiệp, giúp đánh giá định lượng và định tính hiệu suất làm việc.

Khi áp dụng vào khu vực công, nó sẽ giúp chuyển từ đánh giá theo cảm tính, hình thức sang đánh giá dựa trên kết quả cụ thể hay chuyển sang định lượng. Từ đó tạo động lực phấn đấu và cạnh tranh lành mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên KPI trong khu vực công không thể bê nguyên từ khu vực tư sang mà cần được điều chỉnh để phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động công vụ, nếu làm không bài bản sẽ phản tác dụng. Vì khu vực tư có mục tiêu là lợi nhuận và doanh thu, còn khu vực công hướng đến giá trị công và phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu.

Việc trả lương theo hiệu quả công việc, mà ở đây là thông qua KPI, sẽ tạo ra sự công bằng tương đối, khuyến khích, thúc đẩy tinh thần làm việc, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cảnh báo người làm chưa tốt.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông

KPI phải gắn chặt với vị trí việc làm

* Theo ông, bộ chỉ số KPI trong khu vực công cần xây dựng thế nào để đảm bảo phù hợp, đánh giá đầy đủ và chính xác. Đồng thời cần những tiêu chí chính nào?

– Theo tôi, để công cụ KPI được triển khai thống nhất, Bộ Nội vụ cần xây dựng khung pháp lý với định hướng rõ ràng về các thước đo đánh giá hiệu suất công việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Bộ chỉ số KPI trong khu vực công cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và đặc thù công vụ. Trước hết phải gắn chặt với vị trí việc làm và mô tả công việc cụ thể, không thể có bộ KPI chung cho tất cả các vị trí. Mỗi vị trí phải được lượng hóa nhiệm vụ, xác định rõ đầu ra mong đợi và từ đó xây dựng các chỉ tiêu phù hợp về tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Việc triển khai KPI cũng kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với các phần mềm quản lý công việc hành chính công. Nói cách khác nên tích hợp các thước đo KPI trên nền tảng số. Trong đó cần triển khai công cụ giao việc, cho phép lãnh đạo các cơ quan trực tiếp phân công công việc đến cán bộ, công chức; tự động nhắc nhở thời hạn (deadline), theo dõi tiến độ và tổng hợp báo cáo nhằm giảm tình trạng chậm trễ, tồn đọng. Việc đánh giá cũng nên thực hiện tự động trên nền tảng số như báo cáo thời gian, áp dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để đánh giá hiệu quả công việc.

Mỗi bộ, ngành, địa phương nên thiết lập các tổ, trung tâm hay đơn vị chuyên trách để theo dõi và hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai, nhất là trong giai đoạn đầu.

Tôi cho rằng một bộ KPI tốt trong khu vực công cần tuân thủ ba nguyên tắc: phù hợp với vị trí việc làm, gắn với mục tiêu chính sách công và có khả năng đo lường minh bạch. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng KPI cần phải khảo sát thực tế, phân tích vị trí việc làm cụ thể và phải có sự tham gia của người dân và tổ chức sử dụng dịch vụ công để đảm bảo khách quan.

* Nhiều ý kiến đề xuất cần sử dụng KPI để làm căn cứ trả lương cho cán bộ, công chức. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

– Tôi cho rằng đây là một hướng đi cần thiết nếu chúng ta thực sự muốn chuyển sang nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Việc trả lương theo hiệu quả công việc, mà ở đây là thông qua KPI, sẽ tạo ra sự công bằng tương đối, khuyến khích, thúc đẩy tinh thần làm việc, trách nhiệm của cán bộ, công chức và cảnh báo người làm chưa tốt. Nó cũng sẽ giúp giảm tâm lý “bình quân chủ nghĩa” trong khu vực công, nơi mà hiện nay lương thường được trả gần như nhau bất kể mức độ đóng góp.

chỉ số KPI - Ảnh 2.

Chuyên viên Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức (TP.HCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân – Ảnh: HỮU HẠNH

Sớm chuyển sang trả lương theo vị trí việc làm

Trong giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nêu rõ việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức sẽ được thực hiện dựa trên vị trí việc làm, còn việc tiếp tục quy định ngạch công chức nhằm mục đích chính là để tính lương.

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi chưa xây dựng được vị trí việc làm thì việc giữ nguyên cơ chế tính lương theo ngạch là cần thiết nhằm duy trì sự ổn định, tránh gây xáo trộn trong hệ thống công vụ. Đây chỉ là công cụ kỹ thuật để phân biệt thứ bậc, chứ không phải là vấn đề cốt lõi của công vụ.

Song về lâu dài phải chuyển dần sang mô hình quản lý và trả lương theo vị trí việc làm. Điều này phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện đại, bảo đảm nguyên tắc trả lương theo tính chất, yêu cầu, mức độ phức tạp của công việc.

chỉ số KPI - Ảnh 3.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Đại biểu Hồ Thị Minh (phó giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Trị):

Nghiên cứu thực hiện theo lộ trình

Việc áp dụng KPI trong đánh giá công chức sẽ là bước tiến quan trọng nhằm lượng hóa tiêu chuẩn, chất lượng và tinh thần trách nhiệm, đổi mới của đội ngũ cán bộ, công chức. Góp phần khắc phục tình trạng “biên chế suốt đời” – tức vào được bộ máy ít bị đào thải, dù hiệu quả công việc thấp.

Tuy nhiên không thể xây dựng KPI theo kiểu rập khuôn mà hệ thống tiêu chí này cần được thiết kế phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng cấp và từng địa phương, đồng thời phải dựa trên vị trí việc làm chuẩn xác. Trong đó, Chính phủ sẽ cần ban hành một nghị định khung đóng vai trò hướng dẫn chung để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó tự xây dựng hệ thống KPI phù hợp.

Với các cơ quan Đảng, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan nghiên cứu… sẽ phải có bộ chỉ số KPI đánh giá khác so với khối chính quyền (UBND, các sở, ngành, phòng, ban). Và ngay trong chính mỗi cơ quan, giữa các phòng, các bộ phận, cán bộ cũng cần xây dựng có bộ chỉ số KPI khác nhau.

Cũng cần nói thêm hiện nay việc xây dựng mô tả vị trí việc làm vẫn chưa đạt như mong muốn, vì vậy đánh giá theo bộ chỉ số KPI nên được nghiên cứu thực hiện theo lộ trình cụ thể. Theo đó, cần xác định những sở, ngành, lĩnh vực nào có khả năng thực hiện đánh giá theo KPI sẽ thực hiện trước chứ không nên thực hiện đồng loạt ngay.

Ứng dụng công nghệ để đánh giá chỉ số KPI hiệu quả

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Dũng, vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ), cho biết KPI đã được áp dụng từ lâu trong khu vực tư. Với khu vực công, KPI đã được một số địa phương như Khánh Hòa, Hậu Giang áp dụng và cho thấy kết quả tích cực.

Các địa phương này triển khai thông qua việc xây dựng quy định bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và bộ công cụ đo lường đánh giá kết quả, hiệu quả công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

chỉ số KPI - Ảnh 4.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang giải quyết các thủ tục liên quan cho người dân – Ảnh: HÀ QUÂN

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Ông Dũng nhấn mạnh dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến, trong đó KPI sẽ được cụ thể hóa thành các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công chức trên cơ sở áp dụng công nghệ, dữ liệu số về công vụ, công chức để áp dụng và triển khai linh hoạt phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương, đơn vị.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền công vụ hiện đại, kết hợp với đặc thù công việc tại Việt Nam, sẽ sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích dữ liệu từ các nước nhằm xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả.

“Sẽ giao quyền và quy định rõ trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị trong việc phân công công việc, theo dõi, đánh giá và phản hồi về hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức để phát huy, thấy rõ vai trò của người đứng đầu”, ông Dũng nói.

Chỉ số quan trọng để đề bạt, bổ nhiệm

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng điều quan trọng nhất phải xây dựng được bộ chỉ số để lượng hóa các nội dung đánh giá thay vì định tính như hiện nay đang thực hiện. 

Trong đó, phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ là chỉ số cao nhất hay đánh giá theo kết quả đầu ra về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chất lượng, thời gian, sự đột phá, đổi mới… của cán bộ, công chức chứ không phải theo quá trình. Các phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi đánh giá cũng cần thông qua kết quả hoàn thành nhiệm vụ.

Theo tiến sĩ Dĩnh, việc xây dựng KPI phải gắn chặt với vai trò điều hành của người đứng đầu đơn vị và dựa trên yếu tố kết quả công việc, sản phẩm đầu ra và đạo đức công vụ. Xây dựng KPI cũng phải gắn chặt với sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời phản ánh năng lực phối hợp giữa các phòng ban, cơ quan, đơn vị.

“Song để thực hiện được hiệu quả đánh giá theo KPI, điều quan trọng nhất, mấu chốt phải xây dựng được mô tả vị trí việc làm chuẩn xác. Với mô tả vị trí việc làm chuẩn xác sẽ giúp thực hiện tất cả các khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá, thi đua khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều chuyển… cán bộ, công chức”, tiến sĩ Dĩnh góp ý.

Lâu nay đánh giá nặng về hình thức

Theo tiến sĩ Dĩnh, lâu nay việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn còn mang nặng tính hình thức. Năm nào cũng có đánh giá cuối năm và đa phần cán bộ, công chức đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí xuất sắc; chỉ có số ít là hoàn thành, không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó thực tế công việc lại chưa phản ánh đúng điều đó. Do vậy, việc dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi lần này nhấn mạnh đến định hướng áp dụng KPI vào bộ máy hành chính là rất cần thiết. Hiện nay chúng ta đã có các bộ chỉ số PAPI, PCI để đánh giá tổ chức thì KPI sẽ là bộ chỉ số quan trọng giúp khách quan, minh bạch đánh giá cá nhân.