Ông Trump chiếu video cáo buộc Nam Phi ‘diệt chủng người da trắng’

Ông Trump chiếu video cáo buộc Nam Phi ‘diệt chủng người da trắng’

bởi

trong

Tổng thống Trump cho người đồng cấp Nam Phi xem video mà ông nói là bằng chứng về nạn “diệt chủng” với người da trắng tại nước này, nhưng ông Ramaphosa phản bác.

Khi gặp người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Phòng Bầu dục hôm 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu nhân viên Nhà Trắng phát một video 4 phút lên màn hình, nói rằng đây là “bằng chứng cho thấy các chính trị gia Nam Phi da đen kêu gọi đàn áp người da trắng”.

“Ngài cho phép họ chiếm đất và sát hại nông dân da trắng. Và khi họ sát hại nông dân da trắng, họ không phải chịu hậu quả gì”, ông Trump nói.

Trong video, một chính trị gia da màu đang hát bài “Giết người Boer, giết người nông dân“. Đây là bài hát xuất hiện vào thời kỳ đấu tranh chống lại sự cai trị của người da trắng thiểu số dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid tại Nam Phi. Tuy nhiên, hãng thông tấn AFP cho biết chính trị gia trong video là Julius Malema, nghị sĩ cực tả thuộc phe đối lập ở Nam Phi, không phải thành viên đảng cầm quyền.

Video kết thúc bằng hình ảnh một cuộc biểu tình, trong đó các cây thánh giá màu trắng được dựng dọc theo một con đường để tượng trưng cho những người nông dân da trắng đã bị sát hại.

Ông Trump chiếu video cáo buộc Nam Phi ‘diệt chủng người da trắng’

Ông Trump yêu cầu chiếu video cho ông Ramaphosa xem tại Nhà Trắng hôm 21/5. Video: BBC

Tổng thống Mỹ cũng cho người đồng cấp Nam Phi xem các mẩu tin mà ông cho là có thể củng cố cáo buộc “diệt chủng” của mình. Dù vậy, AFP cho biết một trong các bài báo thực chất lại sử dụng ảnh chụp tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Sau khoảnh khắc ngỡ ngàng ban đầu, Tổng thống Ramaphosa cố giữ bình tĩnh, không tìm cách tranh cãi với ông Trump. Lãnh đạo này phủ nhận cáo buộc Nam Phi tịch thu đất của nông dân da trắng. “Không ai có thể chiếm đất cả”, Tổng thống Nam Phi khẳng định.

Ông nói thêm rằng các chính trị gia kêu gọi “giết người Boer” trong video thuộc phe đối lập và phần lớn nạn nhân của tình trạng bạo lực tại quốc gia này là người da đen. Người Boer là hậu duệ của người định cư da trắng gốc Hà Lan tại Nam Phi.

Ông Ramaphosa cũng cho rằng “nên nói chuyện về vấn đề này một cách bình tĩnh”. “Chúng tôi được Nelson Mandela chỉ dạy rằng mỗi khi có vấn đề xảy ra, mọi người cần ngồi vào bàn và cùng nhau giải quyết”, Tổng thống Nam Phi cho hay.

Tổng thống Ramaphosa tới Nhà Trắng cùng hai tay golf huyền thoại Ernie Els và Retief Goosen, được cho là nhằm lấy lòng người đồng cấp Trump, chính trị gia rất yêu thích môn golf. Els và Goosen đã tìm cách xoa dịu tình hình khi được ông Trump đề nghị phát biểu.





Ông Ramaphosa (trái) và ông Trump tại Nhà Trắng hôm 21/5. Ảnh: AP

Ông Ramaphosa (trái) và ông Trump tại Nhà Trắng hôm 21/5. Ảnh: AP

“Chúng tôi muốn mọi thứ ở quê nhà trở nên tốt đẹp hơn. Đó là điều quan trọng nhất”, Els cho hay.

Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Ramaphosa khẳng định cuộc hội đàm là “thành công lớn” và kỳ vọng người đồng cấp Trump vẫn sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Johannesburg vào tháng 11.

Lãnh đạo Nam Phi cũng nhận định ông Trump không hoàn toàn tin rằng người da trắng đang bị “diệt chủng”, bất chấp việc Tổng thống Mỹ đã đưa ra “bằng chứng” trong cuộc gặp.

“Tôi thật sự tin rằng trong đầu ông ấy vẫn có sự hoài nghi và không tin tưởng về tất cả chuyện này”, Tổng thống Ramaphosa cho hay.

Chuyến thăm của Tổng thống Nam Phi tới Mỹ là nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, sau khi ông Trump và đồng minh Elon Musk, người sinh ra tại Nam Phi, cáo buộc đang xảy ra tình trạng “diệt chủng” nhằm vào người da trắng ở quốc gia châu Phi.

Tổng thống Ramaphosa hồi tháng 1 ký đạo luật quy định có thể thu hồi đất mà không cần bồi thường trong một số trường hợp nhằm phục vụ lợi ích công.

Đạo luật này được ban hành nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng về quyền sở hữu đất, trong đó cộng đồng người da trắng thiểu số vẫn kiểm soát phần lớn đất nông nghiệp ở Nam Phi, dù chế độ phân biệt chủng tộc apartheid đã kết thúc cách đây hơn 30 năm.

Ông Trump hồi tháng 2 nói đạo luật trên cho phép chính quyền Tổng thống Ramaphosa “tịch thu đất nông nghiệp của người Afrikaner mà không cần bồi thường”. Người Afrikaner là hậu duệ da trắng của những người Hà Lan và Pháp đến Nam Phi vào những năm 1650.

Chính quyền ông Trump hồi đầu tháng cấp quy chế tị nạn cho hơn 50 người Afrikaner, dù Mỹ gần như đã ngừng tiếp nhận người tị nạn từ phần còn lại của thế giới.

Phạm Giang (Theo AFP, AP)