Chủng Omicron XEC lây lan nhiều nước trên thế giới có đáng ngại?

Chủng Omicron XEC lây lan nhiều nước trên thế giới có đáng ngại?

bởi

trong
Chủng Omicron XEC lây lan nhiều nước trên thế giới có đáng ngại?

Các chuyên gia khuyến cáo người lớn tuổi hay có bệnh nền có khả năng diễn tiến nặng khi mắc COVID-19, do đó cần tiêm ngừa đầy đủ – Ảnh: THU HIẾN

Từ ngày 1-1 đến 14-5, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 71.067 ca mắc COVID-19, trong đó có 19 ca tử vong. Số ca bệnh tăng nhanh từ sau kỳ nghỉ Tết Songkran giữa tháng 4.

Khoảng 80% số ca tử vong là người lớn tuổi có bệnh lý nền. Bên cạnh đó các chuyên gia y tế Thái Lan phát hiện chủng vi rút lây lan nhiều trong thời gian qua là Omicron XEC.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp biến chủng này vào nhóm nguy cơ thấp, biến chủng cần được theo dõi (VUM).

PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM – cũng nhận định rằng biến chủng Omicron XEC không mới, chủng này đã xuất hiện nhiều trên thế giới từ đầu năm 2024.

Chủng này có tốc độ lây lan nhanh hơn 84-110% so với các biến thể Omicron trước, thế nhưng bệnh lại nhẹ hơn, tỉ lệ tử vong thấp.

Dấu hiệu liên quan đến XEC tương tự như các biến thể phụ Omicron trước đây. Các triệu chứng phổ biến nhất vẫn bao gồm: sổ mũi nhẹ, nhức đầu, ho và đau họng.

Trong đó đau họng là một trong những biểu hiện dễ bị bỏ qua vì có thể tương tự bệnh cúm, viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan.

Tuy nhiên với chủng XEC, tình trạng đau rát họng xuất hiện ở nhiều bệnh nhân ngay từ ngày đầu tiên nhiễm vi rút. Đau họng liên quan đến COVID-19 thường có xu hướng đột ngột và đi kèm rát họng, ho khan, mệt mỏi, sốt, mất vị giác.

Trong đó tình trạng khó thở dường như xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu hay người không tiêm vắc xin cập nhật.

PGS Dũng nói người dân không nên quá lo ngại với COVID-19, bởi vì hầu như tuyệt đại đa số người dân đều đã chích ngừa đầy đủ hoặc đã bị nhiễm nhiều lần nên đã có khả năng miễn dịch.

Vì vậy ở người khỏe mạnh, không quá 60 tuổi, các trường hợp COVID-19 sẽ chỉ có diễn tiến nhẹ. Người lớn tuổi hay có bệnh nền có khả năng cao hơn bị diễn tiến nặng, nhưng không có nguy cơ tử vong cao như ở thời kỳ đầu tiên của đại dịch COVID-19, khi đó hầu như toàn nhân loại không có miễn dịch.

Ngoài ra vi rút SARS-CoV-2 cũng đã có sự tiến hóa nên độc lực cũng giảm đi. Khả năng lây lan cao của SARS-CoV-2 cũng là một điểm tích cực ở chỗ làm tăng cường miễn dịch với COVID-19 cho người bị nhiễm đã có miễn dịch từ trước.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng, các cơ sở y tế, phương tiện giao thông công cộng.

Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết.

Trường hợp khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời. Với các cơ sở y tế cần tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm.

WHO cũng nhận định biến thể XEC không gây rủi ro đến sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tuy nhiên khả năng lây lan mạnh mẽ hơn so với các biến thể của chủng Omicron có thể làm tăng thêm gánh nặng đối với hệ thống y tế công cộng của các quốc gia.