Khỉ mũ bắt cóc con non của khỉ rú

Khỉ mũ bắt cóc con non của khỉ rú

bởi

trong

Khỉ mũ đực trẻ trên đảo Jicarón, Panama, phát triển một xu hướng kỳ lạ khi liên tục bắt cóc khỉ rú non.





Khỉ mũ bắt cóc con non của khỉ rú

Một con khỉ mũ đực trẻ mang khỉ rú non trên lưng. Ảnh: Brendan Barrett

Theo Live Science, khỉ mũ hoang dã bắt cóc khỉ rú non, đặt chúng trên lưng và mang đi. Xu hướng này bắt đầu từ một con đực và lan sang các thành viên khác trong đàn, dẫn đến cái chết của ít nhất bốn con khỉ hú non từ năm 2022.

“Tốc độ mà chúng tôi bắt gặp khỉ rú non cho thấy khỉ mũ không chỉ tình cờ tìm thấy mà còn chủ động bắt chúng”, đồng tác giả nghiên cứu Zoë Goldsborough, nhà sinh thái học hành vi tại Viện Hành vi Động vật Max Planck ở Konstanz, Đức, cho biết. Hành vi chưa từng có này được phát hiện qua các bẫy camera trên đảo Jicarón ngoài khơi Panama.

Khỉ mũ mặt trắng Panama (Cebus imitator) là loài khỉ sống theo bầy đàn trong rừng Trung Mỹ. Chúng thông minh và học hỏi nhanh, được theo dõi bằng camera kích hoạt nhờ chuyển động để nghiên cứu việc sử dụng công cụ. Nhóm nghiên cứu từ Viện Max Planck bắt đầu đặt bẫy camera trên mặt đất tại đảo Jicarón từ năm 2017. Camera hé lộ khỉ mũ sử dụng đá như chiếc búa để đập vỡ vỏ ốc sên, quả hạnh biển và cua ẩn sĩ.

Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu phát hiện hành vi bắt cóc là vào tháng 1/2022, khi một con khỉ mũ đực trẻ có tên Joker mang một con khỉ rú non trên lưng. Trong những tháng sau đó, Joker được phát hiện mang 4 con khỉ rú non khác trong thời gian dài đến 9 ngày. Hành vi này nhanh chóng lan rộng, từ tháng 9 cùng năm, 4 con khỉ mũ đực trẻ khác bị camera bắt gặp mang khỉ rú non trong nhiều ngày. Theo nghiên cứu công bố hôm 19/5 trên tạp chí Current Biology, Goldsborough và cộng sự phát hiện tổng cộng 11 con khỉ rú non.

Cách khỉ mũ bắt khỉ rú non vẫn chưa rõ ràng vì điều đó xảy ra ngoài tầm quan sát của camera, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán khỉ mũ bắt cóc chúng từ những con khỉ rú trưởng thành (Alouatta palliata coibensis) và điều đó xảy ra trên cây. Theo Katherine MacKinnon, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Saint Louis ở Missouri, khỉ rú lớn hơn nhiều so với khỉ mũ nhưng chúng chậm hơn. MacKinnon từng quan sát chúng chiến đấu với khỉ mũ. Khỉ rú có thể chống trả, nhưng khỉ mũ thuộc đẳng cấp khác.

Khỉ rú non bị bắt cóc lúc đầu dường như khỏe mạnh, nhưng do còn nhỏ, chúng cần sữa từ mẹ để sống sót. Sức khỏe của chúng xấu đi trong nhiều ngày sau khi bị bắt cóc và ít nhất 4 con non đã chết, có thể do suy dinh dưỡng. Trong hai lần quan sát, khỉ mũ đực mang khỉ rú con đã ôm chúng nhưng với thái độ trung lập. Tuy nhiên, khỉ mũ tỏ ra khó chịu nếu khỉ rú con làm điều gì đó chúng không thích như cố gắng bú và sẽ cắn hoặc đẩy chúng ra.

Việc mang khỉ rú con không mang lại lợi ích xã hội nào, Barrett cho rằng khỉ mũ đực làm điều đó vì chúng đang chán và không có việc gì khác để làm. “Khỉ mũ rất tò mò, chúng thích chọc phá và làm phiền tất cả các sinh vật khác”, Susan Perry, một nhà nhân chủng học tiến hóa tại Đại học California, Los Angeles, chia sẻ. “Tôi đoán chúng không có ý định gây hại cho những con khỉ con này, nhưng chúng không hiểu khỉ rú cần sữa”.

Perry nghi ngờ điều này liên quan đến hành vi của khỉ mũ đực khác. Khỉ đực rời đàn mà chúng sinh ra và tìm đàn mới để chiếm lĩnh nhưng chúng cần gắn bó với nhau để thành công. Vì vậy, khỉ đực làm rất nhiều việc để tạo sự gắn kết khi còn trẻ. Chúng đôi khi bắt và mang theo những con khỉ đực non không liên quan.

Hành vi bắt cóc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới khỉ rú trên đảo Jicarón, một phân loài đang bị đe dọa. Barrett cho rằng có khoảng 4 hoặc 5 đàn khỉ rú trong khu vực. Số lượng khỉ non bị bắt cóc mà nhóm nghiên cứu thấy có thể đến từ những đàn đó”, ông nói. Các chuyên gia cho rằng truyền thống của khỉ mũ thường không kéo dài và hy vọng điều này sẽ nhanh chóng kết thúc, có thể khi những con đực rời nhóm.

An Khang (Theo Live Science)