Lý do có thể khiến Triều Tiên mắc lỗi hạ thủy, làm tàu chiến nát đáy

Lý do có thể khiến Triều Tiên mắc lỗi hạ thủy, làm tàu chiến nát đáy

bởi

trong

Sự cố gây hư hỏng tàu chiến 5.000 tấn của Triều Tiên có thể do nước này thiếu kinh nghiệm hạ thủy tàu chiến cỡ lớn và theo phương ngang.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết sự cố nghiêm trọng đã xảy ra trong lễ hạ thủy tàu khu trục 5.000 tấn tại xưởng đóng tàu ở thành phố cảng Chongjin, đông bắc nước này, hôm 21/5. Triều Tiên không nói đây là mẫu chiến hạm nào, song giới chuyên gia nhận định nó có thể là chiếc thứ hai thuộc lớp Choe Hyon.

“Đà trượt ở đuôi tàu di chuyển trước kế hoạch và bị mắc kẹt. Một số phần đáy tàu bị nghiền nát, làm mất tính cân bằng của chiến hạm. Mũi tàu cũng không thể rời khỏi triền nghiêng”, KCNA cho hay, thêm rằng nguyên nhân là do “chỉ huy thiếu kinh nghiệm và bất cẩn trong vận hành”.

Ảnh vệ tinh thương mại chụp trước buổi lễ và được phân tích bởi 38 North, dự án về Triều Tiên thuộc Trung tâm Stimson tại Mỹ, cho thấy con tàu ở Chongjin nhiều khả năng được hạ thủy theo phương ngang. Bình Nhưỡng từng áp dụng phương thức này với tàu hàng, song dường như đây là lần đầu nước này hạ thủy tàu chiến theo cách trên.





Lý do có thể khiến Triều Tiên mắc lỗi hạ thủy, làm tàu chiến nát đáy

Ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Chongjin hôm 15/5. Ảnh: Planet Labs

Phương pháp hạ thủy ngang không đòi hỏi nhiều về chiều rộng mặt nước, sử dụng đường triền ngắn và cho phép hạ thủy trong khu vực có độ sâu tương đương với chiều chìm của tàu, phù hợp với những cơ sở nội thủy hoặc ở khu vực chật hẹp, nước nông.

Bù lại, độ an toàn của phương pháp này không bằng hạ thủy dọc, do tàu ổn định theo phương ngang kém hơn nhiều so với phương dọc. Nó đòi hỏi sử dụng nhiều đà trượt và đường triền, dẫn tới tỷ lệ gặp trục trặc cao hơn. Nhà máy đóng tàu cũng phải thực hiện nhiều phép tính phức tạp, xem xét hàng loạt yếu tố chủ quan và khách quan để bảo đảm hạ thủy an toàn.

Các chuyên gia của 38 North nhận định nhà máy Chongjin phải hạ thủy tàu chiến theo phương ngang, do cơ sở này không có dốc nghiêng và diện tích mặt nước đủ rộng để hạ thủy theo chiều dọc. Trong khi đó, chiếc đầu tiên thuộc lớp Choe Hyon được hạ thủy thành công ở nhà máy Nampo hôm 25/4 bằng cách sử dụng ụ nổi.

Shin Seung-ki, chuyên gia tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng đáy chiến hạm có khả năng đã bị hư hỏng nặng và nứt vỡ do va đập với mặt đất.

Ông nêu một số nguyên nhân có thể gây ra sự cố, như kỹ sư Triều Tiên “thiếu sự chính xác, kỹ năng và chuyên môn cần thiết” để hạ thủy tàu chiến lớn như vậy. Với lượng giãn nước 5.000 tấn, lớp Choe Hyon là mẫu tàu chiến lớn và hiện đại nhất lịch sử Triều Tiên.

“Những lý do khác bao gồm trọng lượng thân tàu và tải trọng bất đối xứng, lực tác động lên thân không phân bổ đều và gây ra vấn đề về kết cấu”, ông Shin nói.

Lý do có thể khiến tàu chiến Triều Tiên gặp sự cố khi hạ thủy

Một tàu được hạ thủy ngang tại xưởng Ferus Smit ở Hà Lan năm 2015. Video: Youtube/D.Davidson

Hong Min, chuyên gia cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, lưu ý rằng Triều Tiên chưa có nhiều kinh nghiệm đóng tàu chiến với lượng giãn nước hơn 3.000 tấn.

“Sự cố cho thấy Bình Nhưỡng thiếu kiến thức và kinh nghiệm về quy trình hạ thủy, hơn là chiến hạm có vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng. Hậu quả lớn nhất có thể chỉ là một số kỹ sư bị đình chỉ công tác ngắn hạn hoặc khiển trách”, ông nhận định.

Hong nhận định Bình Nhưỡng sẽ mất vài tháng để sửa chữa phần hư hỏng dưới đáy tàu, lâu hơn thời hạn chót vào tháng 6 mà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra. Dù vậy, chuyên gia Hàn Quốc cho rằng sự việc cũng không gây ảnh hưởng lớn tới tổng thể kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Triều Tiên.

“Khó có khả năng kế hoạch hiện đại hóa lực lượng sẽ bị ảnh hưởng, do nguyên nhân không đến từ lỗi thiết kế của khu trục hạm”, Hong cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia Shin nhận định sự cố có thể sẽ khiến chương trình hiện đại hóa hải quân của Triều Tiên chậm tiến độ 1-2 năm.

“Mẫu khu trục hạm đa nhiệm này có khả năng chống ngầm và lập ô phòng không trên biển, điều mà Triều Tiên chưa từng sở hữu. Có vẻ Bình Nhưỡng đang tìm cách mở rộng năng lực chiến đấu xa bờ, thay vì chỉ giới hạn ở phòng thủ bờ hoặc gần bờ, nhằm ứng phó nhanh hơn trước lực lượng hải quân liên hợp của Mỹ và Hàn Quốc trong trường hợp khẩn cấp”, ông cho hay.





Chiến hạm lớp Choe Hyon của Triều Tiên trong lễ hạ thủy hôm 25/4. Ảnh: KCNA

Chiến hạm đầu tiên thuộc lớp Choe Hyon của Triều Tiên sau lễ hạ thủy hôm 25/4. Ảnh: KCNA

Triều Tiên cũng gây bất ngờ khi đưa tin về sự cố và mô tả sự tức giận của ông Kim Jong-un. Nước này hiếm khi tiết lộ những thông tin tiêu cực về các dự án phát triển vũ khí, dù từng thừa nhận phóng vệ tinh thất bại vào năm 2023 và 2024.

“Sự cố liên quan đến các hệ thống vũ khí mới không phải hiếm thấy và từng xảy ra tại nhiều nơi thế giới, song điều đáng chú ý là Triều Tiên quyết định công khai thông tin”, Andrei Lankov, giám đốc tổ chức tư vấn Korea Risk Group tại Hàn Quốc, cho hay.

Phạm Giang (Theo KCNA, 38 North)