Ngày 22/5, Thanh tra tỉnh Phú Yên đã ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) có sử dụng ngân sách nhà nước tại Sở KH&CN, giai đoạn 2019-2024.
Trong giai đoạn này, Thanh tra tỉnh Phú Yên đã thanh tra 4 đề tài nghiên cứu KH&CN. Trong đó có 2 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp tỉnh và 1 đề tài cấp nhà nước.
Đề tài cấp cơ sở gồm: “Xây dựng quy trình nhân giống Nha đam bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Phú Yên” và “Ứng dụng chế phẩm vi sinh PYMIC xử lý bã thải nấm thành giá thể hữu cơ phục vụ cho trồng trọt”.

Cá diếc giống và cá diếc thương phẩm (Ảnh: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III).
Cả 2 đề tài này đều được thực hiện năm 2021-2023, do Trung tâm KH&CN, thuộc Sở KH&CN làm đơn vị chủ trì. Kinh phí ngân sách nhà nước đã quyết toán cho 2 đề tài trên là gần 400 triệu đồng.
Qua thanh tra nhận thấy, việc ứng dụng kết quả của 2 đề tài này vào thực tiễn đời sống, sản xuất còn hạn chế, chưa nhân rộng đến bà con nông dân. Mặt khác, kết quả đề tài chỉ mới ứng dụng trong thực nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cho nông dân.
Đối với đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá diếc sạch – an toàn thực phẩm tại Phú Yên” được Sở KH&CN ký kết hợp đồng với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện năm 2019-2022.
Kinh phí được chấp nhận quyết toán đối với đề tài nêu trên là gần 850 triệu đồng.
Kiểm tra thực tế, Thanh tra tỉnh Phú Yên nhận thấy 2/3 mô hình hộ gia đình thuộc đề tài đã không còn nuôi cá diếc.
Thanh tra ghi nhận, đơn vị chủ trì có hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật nuôi cá diếc. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào nuôi thực tế chưa cao nên chưa thu hút, nhân rộng để cho nhiều người dân tham gia nuôi cá diếc. Mặt khác, phạm vi quy mô nuôi còn nhỏ, nên chưa phát huy hết hiệu quả ứng dụng của đề tài vào sản xuất của người dân.
Đề tài cấp nhà nước “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cua lột theo chuỗi từ sản xuất giống, ươm nuôi cua nguyên liệu đến sản xuất cua lột thương phẩm, phục vụ xuất khẩu tại Phú Yên”, được Hội đồng tư vấn của Bộ KH&CN xét giao trực tiếp cho Công ty cổ phần Bá Hải (ở tỉnh Phú Yên) chủ trì, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp thực hiện.
Thời gian thực hiện đề tài “cua lột” từ năm 2019 đến 2024. Kinh phí được quyết toán là hơn 3,6 tỷ đồng.
Qua kiểm tra thực tế một số mô hình hộ gia đình tham gia đề tài, Thanh tra tỉnh Phú Yên ghi nhận, hiện nay các hộ này chỉ thực hiện nuôi cua thịt, không nuôi cua lột.
Thanh tra tỉnh Phú Yên khảo sát, nhận thấy giá trị kinh tế đem lại từ mô hình nuôi cua lột chưa hấp dẫn, thị trường xuất khẩu hạn chế nên chưa phát huy được kết quả, công nghệ chuyển giao cho người dân.
Đối với đề tài “cá diếc sạch” đơn vị chủ trì chi gần 5 triệu không đúng quy định do thanh toán trùng ngày công, thiếu bảng chấm công.
Đề tài “cua lột” đơn vị chủ trì đã chi không đúng theo quy định hơn 110 triệu đồng. Số tiền chi sai đã được các đơn vị có liên quan nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Phú Yên.
Chánh Thanh tra tỉnh Phú Yên đề nghị Giám đốc Sở KH&CN tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với bộ phận tham mưu quản lý đề tài KH&CN, quản lý tài chính – ngân sách; các đơn vị và cá nhân có liên quan do để xảy ra những sai sót trong công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện đề tài KH&CN như đã nêu trên.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, sai sót trong công tác quản lý thực hiện đề tài KH&CN…