
Xe tăng Ukraine ở khu vực Kursk, Nga hồi năm ngoái (Ảnh: AFP).
Ngày 16/5, sĩ quan Oleksandr Shyrshyn tuyên bố từ chức khỏi vị trí chỉ huy tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine, đơn vị tinh nhuệ hàng đầu của Kiev.
“Tôi chưa bao giờ nhận được những mệnh lệnh nào kém sáng suốt hơn ở khu vực tác chiến hiện tại”, ông Shyrshyn viết trên mạng xã hội.
Đơn vị của ông đã được điều tới tỉnh Kursk của Nga từ tháng 10/2024 và hiện trấn giữ khu vực biên giới tỉnh Sumy của Ukraine.
“Một ngày nào đó tôi sẽ kể chi tiết, nhưng việc hy sinh binh sĩ vô ích và ngại lên tiếng trước cấp trên chỉ dẫn đến kết cục không tốt. Tất cả những gì họ làm là kỷ luật, điều tra và khiển trách”, ông cáo buộc.
Lời chỉ trích của ông Shyrshyn dường như cho thấy vấn đề đang tồn tại trong lực lượng Ukraine: Chỉ huy quân đội ra quyết định xa rời thực tế chiến trường, dẫn đến tổn thất nhân lực, khí tài và lãnh thổ.
Đây không phải lần đầu các vụ bê bối kiểu này xảy ra trong quân đội Ukraine dưới thời Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi.
Trong năm 2025, Ukraine đã nỗ lực cải cách hệ thống lãnh đạo, thay đổi nhân sự Bộ Tổng tham mưu và dần chuyển sang hệ thống quân đoàn, nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa thấy rõ trên chiến trường.
“Cảm ơn Bộ Tổng tham mưu. Tôi hy vọng con cái các ông sẽ phục vụ trong bộ binh và chấp hành chính những mệnh lệnh của các ông”, ông Shyrshyn kết luận.
Cáo buộc của ông Shyrshyn nhanh chóng được truyền thông Ukraine đưa tin, nhiều chỉ huy và nhân vật quân sự có ảnh hưởng đã lên tiếng bình luận.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết sẽ mở cuộc điều tra nội bộ về những tình tiết dẫn đến quyết định từ chức của ông Shyrshyn. Bộ này cũng cam kết rà soát các mệnh lệnh đã ban hành để đánh giá tính phù hợp với điều kiện tác chiến thực tế.
Ông Shyrshyn, người gốc Mykolaiv, từng bắt đầu sự nghiệp quân sự tại Lữ đoàn đổ bộ đường không số 80.
Mùa hè năm 2023, ông tham gia chiến dịch phản công của Ukraine ở tỉnh Zaporizhia với tư cách đại đội trưởng thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47, đơn vị được huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO và trang bị xe tăng Leopard 2 (Đức) cùng xe chiến đấu bộ binh Bradley (Mỹ).
Dù là lực lượng mới chưa từng tham chiến, Lữ đoàn 47 được giao nhiệm vụ tấn công trực diện vào tuyến phòng thủ vững chắc nhất của Nga, tuyến Surovikin, và chịu tổn thất nặng nề.
Tuy nhiên, theo lời binh sĩ từng chiến đấu dưới quyền, ông Shyrshyn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong khi vẫn cố gắng bảo vệ sinh mạng của từng người lính.
“Chỉ huy của chúng tôi không bao giờ giao nhiệm vụ mà chính anh ấy không dám thực hiện. Đó là lý do vì sao toàn đơn vị đều kính trọng anh ấy”, một sĩ quan đương nhiệm trong tiểu đoàn của Shyrshyn, với biệt danh “SAS”, chia sẻ.
Oleksii Nazarenko, người từng phục vụ 7 tháng dưới quyền chỉ huy của ông Shyrshyn, cho biết ông thường xuyên đích thân dẫn binh sĩ thực hiện nhiệm vụ, kể cả tấn công lẫn sơ tán, điều hiếm thấy với sĩ quan cấp cao.
Tháng 10/2023, khi đợt phản công đã tới hồi kết, Lữ đoàn 47 được điều động đến Avdiivka (Donetsk), nơi Nga phát động một đợt tấn công mới. Trong những tháng sau đó, đơn vị này bị cuốn vào chiến sự ác liệt nhất, khi Nga xuyên thủng phòng tuyến và tiến sát thành phố Pokrovsk.
Lúc này đã là tiểu đoàn trưởng, Shyrshyn từng nói rằng đơn vị của ông bị lệnh giữ vị trí gần như bị bao vây vì tư duy “không lùi một bước” của cấp trên, dẫn đến những tổn thất hoàn toàn có thể tránh được.
Sự khốc liệt của chiến trường, cộng với các mệnh lệnh gần như bất khả thi, đã khiến Nazarenko rời đơn vị vào tháng 2/2024. “Họ cứ lặp lại những mệnh lệnh vô nghĩa, hết trang bị, hết người, rồi chỉ còn ngõ cụt”, ông nói.
Giọt nước tràn ly

Ông Oleksandr Shyrshyn (Ảnh: Facebook).
Vài tuần sau cuộc phản công bất ngờ của Ukraine vượt biên vào tỉnh Kursk, Lữ đoàn 47, cùng xe tăng Leopard và Abrams, được điều đến khu vực này.
Tuy nhiên, việc Nga đưa hàng nghìn binh sĩ cùng các đơn vị UAV tinh nhuệ sử dụng cáp quang khiến Ukraine chịu tổn thất không nhỏ.
Quyết định chậm rút khỏi Kursk của quân đội Ukraine vào tháng 3 bị công khai chỉ trích khi số lượng thương vong và tổn thất phương tiện tăng vọt trong thời gian ngắn.
“Lữ đoàn chúng tôi luôn bị điều đến những nơi chiến sự khốc liệt nhất. Khu vực lần này khác ở chỗ nó có ý nghĩa chính trị với giới lãnh đạo cấp cao. Họ muốn giữ lãnh thổ bằng mọi giá, bất chấp tổn thất nhân mạng”, SAS nói.
Những lời chỉ trích của ông Shyrshyn phản ánh thực trạng phổ biến trong hệ thống chỉ huy quân đội Ukraine. Các mệnh lệnh từ cấp trên nhiều khi không phản ánh thực lực của đơn vị, đặt nặng mục tiêu báo cáo.
“Giành lại vị trí nào, dọn sạch rừng cây nào, toàn là những mệnh lệnh kém sáng suốt, không có căn cứ, không được yểm trợ”, ông Shyrshyn nhấn mạnh.
Đối mặt với sự tách biệt giữa cấp cao và thực tế chiến đấu, các chỉ huy như ông Shyrshyn thường phải cố gắng tìm cách bảo vệ binh sĩ, nhưng mọi thứ không hiệu quả.
Bài đăng của ông Shyrshyn nhận được sự ủng hộ từ nhiều binh sĩ, nhà báo và tình nguyện viên nổi tiếng.
Tuy vậy, một số chỉ huy khác đã lên tiếng bảo vệ hệ thống chỉ huy, chỉ trích ông Shyrshyn vì công khai bất mãn. Trang chính thức của Trung đoàn xung kích 425 “Skala” cáo buộc ông “không chấp hành nhiệm vụ, gây thương vong vô ích” và “chỉ biết chỉ trích, đổ lỗi”.