Hàng trăm loại mỹ phẩm, thực phẩm nhà làm
Các chợ online, diễn đàn, hội nhóm từ lâu đã trở thành điểm mua bán hàng nhộn nhịp. Chị Thu Hòa (Q.1, TP.HCM) cho biết từ khi đại dịch Covid-19, mua hàng hóa qua mạng đến nay đã trở thành thói quen của chị. Hầu hết hàng hóa của cá nhân và các thành viên trên mạng đều được chị đặt mua online, kể cả thực phẩm. “Tôi hay đặt mua nem chua, chả cá từ một người quen có gia đình ở Quy Nhơn nói là hàng nhà làm. Tương tự, bánh bông lan, bánh bò thốt nốt và rất nhiều món khác do được người quen giới thiệu…. cứ thấy hợp khẩu vị là mua thôi”, chị Thu Hòa chia sẻ.
Thử lướt trên internet đến các mạng xã hội như Facebook, không thiếu các sản phẩm chế biến sẵn và được quảng cáo là nhà làm. Sản phẩm thì đa dạng, từ gà ủ muối, cá kho, kim chi, giò me, giò bò, nem, xúc xích, lạp sườn, chân gà sả tắc, tai heo chua ngọt, khô gà lá chanh, trái cây sấy dẻo, khô heo cháy tỏi, chà bông, tóp mỡ mắm tỏi… không thiếu thứ gì. Tất cả đều được người bán quảng bá là sản phẩm nhà làm, không chất bảo quản, không sử dụng phẩm màu. Thậm chí để tạo niềm tin, nhiều cá nhân cũng hứa bao ăn, bao đổi trả.

Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên vừa ban hành quyết định xử phạt và buộc tiêu hủy 1.000 kg chả chay không rõ nguồn gốc
ẢNH: CỤC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Không chỉ thực phẩm, một số mỹ phẩm trôi nổi, tự chế biến cũng được bán công khai. Ví dụ, dù đã có rất nhiều cảnh báo về loại kem trộn giúp trắng da thì sản phẩm này vẫn được nhiều cá nhân quảng bá với công dụng thần kỳ. Một tài khoản tên G.T rao trên Facebook “Dòng kem body mix mạnh bên em quá hot rồi. Siêu trắng, chưa ai chê luôn. Mùa hè này chỉ có kem body bên em mới độ được làn da cháy nắng mấy chị thôi. Nó trắng tươi luôn, bôi lên tệp vào da không bết, đảm bảo mê”. Kèm theo đó là hàng loạt công dụng của lọ kem với một cái tên khá lạ như làm trắng toàn thân, mờ sẹo, chống nắng.
Chất lượng đang bị buông lỏng
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải công bố chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, đặc biệt là mỹ phẩm. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện hậu kiểm. Tuy nhiên, với các cá nhân thì hầu như việc này bị bỏ ngỏ. Người bán cam kết bằng miệng, người mua hàng dựa trên niềm tin dù hàng không nhãn mác, không hạn sử dụng, không địa chỉ. Nên khi cơ quan quản lý thị trường (QLTT) “sờ” đến đâu là vi phạm đến đó.
Mới nhất ngày 19.5, Đội QLTT số 4, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra tại Cửa hàng kinh doanh Tính Liễu – Hộ kinh doanh Nguyễn Tuấn Anh (H.Kim Sơn, Ninh Bình). Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh hàng hóa gồm: 10 túi sợi lọt xanh (loại 1 kg/túi), 8 kg khô gà sợi, 8 kg khô bò sợi, 10 kg chuối sấy dẻo và 50 kg sợi đu đủ là hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh nhiều loại thực phẩm như trà thái xanh, khoai tây, xúc xích là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định.

Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình phát hiện cửa hàng kinh doanh khô gà sợi, khô bò sợi, chuối sấy dẻo… không có nguồn gốc xuất xứ
ẢNH: CỤC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho hay từ trước đến nay việc quản lý thực phẩm, mỹ phẩm nhà làm còn buông lỏng. Điều này tiềm ẩn rủi ro quá lớn, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Cá nhân, gia đình chế biến có khi vô tình nhưng sử dụng quá liều các thành phần, nguyên liệu sẽ gây nên tác hại lớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người dùng. Vì vậy người bán khi đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm vì được hưởng quyền lợi từ hành vi này. Người mua không chỉ cẩn thận mà cũng phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình, thận trọng xem xét nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải tăng cường kiểm tra giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm khi phát hiện.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), phân tích: Thực phẩm tự làm thủ công, nhà làm từ trước đến nay được bán ở các chợ truyền thống, chợ quê với quy mô nhỏ hẹp đã trở nên phổ biến với người VN. Sau này với phương thức bán hàng qua mạng, bán online phát triển, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 thì thực phẩm nhà làm cũng được bán nhiều hơn. Thực tế, chưa có văn bản nào nêu rõ cá nhân bán thực phẩm tự làm sẽ phải đăng ký như thế nào, trong khi lực lượng QLTT sẽ khó để kiểm tra, giám sát được tất cả cá nhân kinh doanh qua mạng. Vì vậy người dùng trước hết nên thận trọng khi mua các loại thực phẩm, mỹ phẩm tự làm. Đặc biệt mỹ phẩm là sản phẩm phức tạp với nhiều nguyên liệu, công nghệ, cần có quy trình sản xuất chặt chẽ, kiểm soát chất lượng. Do vậy mỹ phẩm không nhãn mác sẽ khá rủi ro cho người sử dụng.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15.5 – 15.6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá. Theo tôi, việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm là quan trọng, trong đó cũng phải tăng cường giám sát thực phẩm, mỹ phẩm nhà làm của các cá nhân tự kinh doanh, buôn bán. Bởi từ những vụ nhỏ nhưng đôi khi gây tác hại lớn cho cả cộng đồng, không thể buông lỏng.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long