Người dân dùng chữ ký số hãy thử để biết ‘nhanh, gọn, lẹ’

Người dân dùng chữ ký số hãy thử để biết ‘nhanh, gọn, lẹ’

bởi

trong
Người dân dùng chữ ký số hãy thử để biết ‘nhanh, gọn, lẹ’

Người dân ký chữ ký điện tử khi làm hồ sơ cấp nước online ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, rất nhiều doanh nghiệp tỏ ra hài lòng với chữ ký số nhờ thực hiện dễ dàng, nhanh, gọn, lẹ, không phải mất thời gian đi lại. Thế nhưng với nhiều người dùng cá nhân vẫn còn dè dặt do tần suất sử dụng không nhiều.

Doanh nghiệp khoái, người dân còn lạ

Từ khi công ty dùng chữ ký số, chị Ngọc Bạch – nhân viên một công ty trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng, trang trí nội thất tại TP.HCM – gần như không còn phải chạy đi chạy lại cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm để làm các thứ giấy tờ cho công ty.

“Đặc biệt với chữ ký số, nhân viên kế toán không phải đi tới lui làm việc với cơ quan hành chính nữa mà chỉ ngồi văn phòng công ty, khai báo các thủ tục, nhập chữ ký số và gửi đi là xong. 

Thao tác ký số cũng rất đơn giản, khi làm giấy tờ hành chính đến phần chữ ký số, mình chỉ việc gắn USB chứa phần mềm ký số và nhận mã xác thực OTP nhập vô là xong. Thậm chí nhiều giấy tờ của công ty cũng không phải mất công lên trình ký sếp như trước đây, rất nhanh gọn và tiện lợi”, chị Bạch kể.

Tương tự, anh Nhật Thiên – nhân viên một công ty dịch vụ khai báo hải quan (TP.HCM) – cũng khẳng định “nhanh, gọn, lẹ” khi áp dụng chữ ký số vào công việc của mình. Cụ thể theo anh Thiên, nhờ có chữ ký số, doanh nghiệp không phải mang hồ sơ giấy lên nộp cho cơ quan hải quan, đỡ mất thời gian, đỡ tốn giấy và đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Đây cũng là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp sau một thời gian sử dụng chữ ký số trong hoạt động kinh doanh của mình.

Về phía người dùng cá nhân, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều người dùng dù có nghe qua nhưng chưa từng đăng ký cũng như sử dụng chữ ký số. Lý do đơn giản theo chia sẻ của nhiều người là chưa thấy bị bắt buộc phải sử dụng hoặc công việc cũng như các hợp đồng, giao dịch, thủ tục cá nhân vẫn không cần phải dùng đến chữ ký số. 

Trong khi đó, nhiều người đã sử dụng chữ ký số cho rằng tiện lợi nhưng vẫn có không ít khó khăn khi mới sử dụng.

Anh Hoàng Hòa (Thanh Hóa) kể trong lần đầu được nhân viên công ty cung cấp dịch vụ hướng dẫn khai báo xong thủ tục cấp đổi bằng lái xe, có sử dụng chữ ký số thì anh thấy “đơn giản, thuận tiện bất ngờ, không nghĩ lại dễ dàng đến thế” nhưng một thời gian dài sau đó không phải thực hiện thủ tục hành chính hay giấy tờ nào dùng chữ ký số nên anh Hòa “đã quên mất cách sử dụng”.

Mục tiêu 50% người trưởng thành có chữ ký số

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số thừa nhận đông đảo người dân vẫn chưa hiểu rõ về chữ ký số. Cụ thể, nhiều người có tâm lý e ngại bởi “mỗi năm chỉ phải đến cơ quan nhà nước làm giấy tờ 2-3 lần thì cần gì cài đặt”, “mấy cái cài đặt ứng dụng này rắc rối, phức tạp, khó làm lắm”…

Và ngay cả những doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sử dụng chữ ký số. Anh V.P.L. – chủ một doanh nghiệp quà tặng ở quận Gò Vấp, TP.HCM – phân bua: “Mỗi chữ ký số được dùng và kích hoạt bởi phần mềm của bên cung cấp dịch vụ nhưng các phần mềm này thường hay bị cập nhật và thường ký lỗi. Người dùng không chuyên thường hay gặp lỗi và mỗi lần như vậy lại phải liên hệ với bên cung cấp dịch vụ điều chỉnh, hướng dẫn từ xa”.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết quý 1-2025, tổng số chứng thư chữ ký số đã cấp là hơn 15,14 triệu, tăng 68,53% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 8,98 triệu chứng thư), ước đạt 24,42% tỉ lệ dân số trưởng thành của Việt Nam.

Tại hội nghị giao ban quý 1-2025 của NEAC, bà Tô Thị Thu Hương – giám đốc NEAC – đã chia sẻ: “Năm 2025 đánh dấu cột mốc quan trọng với nhiệm vụ và mục tiêu lớn mà Chính phủ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đã tin tưởng giao phó. 

Điểm nhấn chính là thúc đẩy sự phát triển của chữ ký số cá nhân, hướng đến việc đảm bảo hơn 50% dân số trưởng thành sở hữu chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân.

Đây là một thử thách không nhỏ, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ và sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng các tổ chức CA (cung cấp dịch vụ chữ ký số – PV) công cộng cùng NEAC. Và chúng tôi đang cố gắng giải quyết những thách thức này”.

Từ 22-5 người dân đăng ký chữ ký số trên VNeID

Người dân dùng chữ ký số hãy thử để biết 'nhanh, gọn, lẹ' - Ảnh 2.

Người dân có tài khoản định danh mức 2 có thể đăng ký dịch vụ chữ ký số ngay trên ứng dụng VNeID – Ảnh: Q.ĐỊNH

Đại tá Ngô Như Cường, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho biết chữ ký số có vai trò then chốt trong xác thực giao dịch điện tử. Bởi nó không chỉ đảm bảo tính pháp lý và an toàn mà còn là công cụ thiết yếu giúp đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả phục vụ và xây dựng niềm tin trong môi trường số.

Ông Cường cho hay cổng ký số tập trung trên nền tảng ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID không chỉ là lời giải công nghệ cho những điểm nghẽn trong triển khai chữ ký số hiện nay, mà còn là nền tảng công nghệ quan trọng hỗ trợ triển khai đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc.

“Cổng ký số tập trung trên nền tảng ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID sẽ đóng vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả và minh bạch từ dịch vụ công, tài chính, thương mại đến y tế, từng bước xây dựng niềm tin số và nền tảng pháp lý vững chắc cho một xã hội số hiện đại, an toàn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, ông Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo ông Cường, thực tiễn triển khai chữ ký số hiện nay còn nhiều hạn chế do tính phân tán của các giải pháp, yêu cầu người dùng phải trang bị thiết bị phức tạp, gây khó khăn đặc biệt cho người dân và doanh nghiệp. Việc thiếu vắng một nền tảng tích hợp chung, thống nhất đã hạn chế đáng kể hiệu quả ứng dụng và sự lan tỏa của chữ ký số trong xã hội.

Trước bối cảnh đó, việc xây dựng một nền tảng chữ ký số tập trung, đồng bộ và liên kết chặt chẽ với định danh điện tử quốc gia như VNeID không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là chiến lược then chốt. Từ đó mở ra cơ hội đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, an toàn, thuận tiện và hiệu quả trên quy mô toàn quốc.

Và theo C06, từ ngày 22-5 người dân đã có thể đăng ký chứng thư chữ ký số trên ứng dụng VNeID. “Giải pháp này giúp người dân thuận tiện, dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ khác. Đồng thời tăng cường bảo vệ an toàn thông tin và giảm thiểu rủi ro gian lận trong các giao dịch điện tử”, C06 cho hay.

Đại tá Ngô Như Cường cũng cho rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR), các nhà cung cấp dịch vụ ký số… nền tảng ký số tích hợp định danh điện tử quốc gia đang từng bước được đưa vào ứng dụng thực tiễn. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường giao dịch điện tử an toàn, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tiếp cận thuận tiện các dịch vụ số hiện đại.

Hàng nghìn ứng dụng kết nối chữ ký số

Dịch vụ chữ ký số của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp hiện đã kết nối và tích hợp với hơn 1.000 ứng dụng khác nhau, chẳng hạn như: Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Thuế/Hóa đơn điện tử – Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, các cổng dịch vụ công tỉnh/TP trên toàn quốc, các hệ thống ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và hầu hết các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, y tế… Trong đó nhiều doanh nghiệp đang hỗ trợ người dùng dịch vụ chữ ký số để thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn miễn phí.

Ngay từ cuối năm 2024, người dân có tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 có thể khởi tạo chữ ký số cá nhân ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Từ đó có thể sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công. Hiện có năm nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số đã được tích hợp trên VNeID để người dân dễ dàng lựa chọn đăng ký.