Bi hài làm nhà ‘theo thầy phong thủy’

Bi hài làm nhà ‘theo thầy phong thủy’

bởi

trong

Suốt mấy tháng xây nhà, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng thống nhất ở mọi hạng mục, trừ việc hướng đầu giường nên quay về đâu.

Cặp vợ chồng ở quận 7, TP HCM là những người theo trường phái Bát trạch. Người chồng thuộc Tây tứ mệnh, vợ thuộc Đông tứ mệnh. Họ thống nhất với nhau hướng cửa chính nhà theo tuổi chồng, hướng bếp theo tuổi vợ. Nhưng đến phòng ngủ, không ai chịu nhường ai. Vợ anh Hoàng đòi xây thêm một tầng để có phòng ngủ đúng hướng mình muốn. Kinh phí không đủ, hai vợ chồng cãi vã triền miên.

Cuối cùng, kiến trúc sư đành tư vấn làm một giường ngủ hình tròn, đặt ở chính giữa phòng. Khi ngủ, ai thuận hướng nào xoay theo hướng đó. Giải pháp này được cả hai thông qua, kết thúc chuỗi ngày căng thẳng.

Niềm tin vào phong thủy khá phổ biến tại Việt Nam. Dù chưa có thống kê hay khảo sát nào về lĩnh vực này, giới kiến trúc sư và chuyên gia văn hóa cho rằng phong thủy vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống nhiều người Việt.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (TP HCM) cho biết, sau hơn 20 năm làm nghề thi công và cải tạo nhà ở từ Bắc vào Nam, năm nào ông cũng gặp vài công trình rơi vào thế “cười ra nước mắt” vì phong thủy như gia đình anh Hoàng.

Ông Truyền từng thi công ngôi nhà chiều ngang chỉ rộng 3 mét, nhưng chiều cao của tầng một (tầng trệt) phải cao 4,35 mét thay vì 3,6 mét như thông thường để “đem lại phước duyên”, giúp con gái chủ nhà ngoài 40 tuổi nhanh có chồng.

Tầng một quá cao khiến cầu thang nhiều bậc, chiếm hết diện tích, bóp méo công năng. Kiến trúc sư khuyên họ nên thay đổi nhưng gia chủ không đồng ý. Khi hoàn thiện, ngôi nhà chật chội, tù túng khiến người trong nhà ”đụng mặt nhau là nổi nóng”. Người này trách người kia không chịu nghe tư vấn, giờ phải ân hận. “Đáng nói là hơn chục năm trôi qua, con chủ nhà nay đã xấp xỉ 60 tuổi vẫn còn độc thân”, ông Truyền kể.

Tại Hà Nội, chị Ngọc Dung, 37 tuổi, cũng bất lực vì chồng quá mê phong thủy. Khi dọn về nhà mới, anh Đức Vũ, chồng chị, mời thầy về xem hướng cho từng vị trí đồ đạc, từ chỗ kê sofa, giường ngủ, đến hướng đặt bếp.

Ban đầu, chị Dung nhường nhịn. Nhưng đến khi chồng yêu cầu xoay bếp lệch 15 độ cho đúng hướng tuổi mình, chị phản bác: “Anh có nấu đâu mà đòi đặt bếp theo tuổi?”.

Sau một hồi tranh cãi, hai vợ chồng đạt thỏa thuận giữ hướng bếp theo tuổi chồng, nhưng anh phải nấu ăn ba buổi mỗi tuần. “Nhiều hôm đứng bếp vẹo cả người, tức anh ách”, chị kể.

Tuy nhiên, phong thủy trong nhà chị Dung không dừng lại ở căn bếp. Cứ công việc trục trặc, anh Vũ lại đổi hướng bàn làm việc. Đêm nào ngủ mơ thấy chuyện không hay, sáng hôm sau anh lại chuyển đầu giường.

“Căn nhà cứ xoay như mê cung”, chị Dung thở dài.





Bi hài làm nhà ‘theo thầy phong thủy’

Một căn bếp chủ nhà chấp nhận đặt lệch đúng theo tư vấn của thầy phong thủy. Ảnh: KTS Phạm Thanh Truyền

Theo kinh nghiệm làm nghề của kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, những khu vực bị thay đổi nhiều nhất theo phong thủy là bếp và cửa chính.

Nhiều chủ nhà chấp nhận làm cửa xéo, phá vỡ bố cục kiến trúc chỉ để quay về hướng “tốt cho gia chủ”. Một số nhà còn chấp nhận bỏ trống cả góc nhà nếu thầy phong thủy nói “không được dùng”. “Không ít người vẫn còn tin dùng thước Lỗ Ban đo từng bậc cầu thang, từng cánh cửa, sợ rơi vào cung ‘tử’, ‘bệnh’ bất chấp công năng và thẩm mỹ”, ông nói.

Ông Truyền cho rằng, phong thủy đúng nghĩa là sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, tận dụng ưu thế của gió và nước, các yếu tố thiên nhiên để con người sống trong ngôi nhà được hài hòa, thuận tiện nhất. “Giống như khi thiết kế đường băng sân bay, buộc phải theo hướng gió để thuận cho việc cất – hạ cánh. Không ai xây hướng đường băng theo tuổi giám đốc sân bay”, ông ví von.

Kiến trúc sư Phạm Ngọc Nam (Hà Nội) cũng nhận thấy mâu thuẫn trong thiết kế nhà thường phát sinh khi chủ nhà tin theo phong thủy một cách tuyệt đối, bỏ qua vai trò của kiến trúc sư trong việc tổ chức không gian sống.

“Thông thường, kiến trúc sư sẽ ưu tiên công năng sử dụng, đảm bảo tiện nghi sinh hoạt hàng ngày cho gia đình. Trong khi đó, thầy phong thủy thường bố trí theo Bát trạch, la bàn, đôi khi không quan tâm đến thực tế hoặc thẩm mỹ”, ông Nam nói.

Theo ông, việc dung hòa giữa hai bên không dễ vì mỗi người mang một cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, kiến trúc sư vẫn phải lắng nghe và tôn trọng niềm tin của khách hàng, từ đó lồng ghép yếu tố phong thủy một cách khéo léo và phù hợp.

Ông cho rằng các gia đình có thể áp dụng phong thủy vào hướng nhà, hướng bếp, hướng ban thờ, nhưng không nên lạm dụng đến mức làm méo mó không gian sống.

Nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia phong thủy Phạm Đình Hải (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) cũng cho rằng, phong thủy nên được hiểu là những giải pháp kiến tạo không gian sống đạt ba yếu tố: tuân thủ quy luật tự nhiên (như mát về mùa hè, ấm mùa đông), tiện lợi cho sinh hoạt hàng ngày và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, phù hợp với sở thích của gia chủ.

“Các yếu tố như hợp tuổi, hợp hướng thực chất chỉ tác động tới tâm lý người ở. Khi lo lắng vì ‘nhà không hợp tuổi’, gia chủ dễ bị ảnh hưởng tinh thần, từ đó sinh ra mệt mỏi, bất an”, ông nói.

Ông Hải cho rằng chỉ cần đạt mỹ quan và tiện dụng đã đúng phong thủy.

Phạm Nga