Chính trị an ninh thế giới vẫn bất ổn bởi chiến tranh và xung khắc. Cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga tiếp tục gia tăng mức độ quyết liệt và không khoan nhượng. Kinh tế và thương mại thế giới tăng trưởng vẫn rất khó khăn và trì trệ. G7 đang vất vả đối phó Trung Quốc.
Không những vậy, gần đây G7 đối mặt thêm thách thức mới từ chính nước Mỹ – một thành viên trong khối – khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Ngoài ra, từ nhiều năm qua, G7 bị ganh đua mạnh mẽ về vai trò và ảnh hưởng kinh tế và thương mại cũng như chính trị thế giới bởi một số khuôn khổ diễn đàn, liên minh và liên kết đa phương khác. Nổi bật trong số đó là nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và diễn đàn G20.
Trong bối cảnh tình hình như thế, quan điểm chính sách của ông Trump đối với NATO và Ukraine, đối với Nga và EU, đối với các tổ chức, thể chế và khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế, trong đó có G7, đang thách thức thật sự sự tồn vong của nhóm G7.

Hội nghị bộ trưởng tài chính nhóm G7
Lâu nay, G7 được coi là đại diện cho phương Tây. Nhưng chính sách thuế quan bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump khiến cho các thành viên của G7 phải quan tâm và ưu tiên đến việc ứng phó Mỹ nhiều hơn là cùng Mỹ quản trị thế giới về kinh tế và thương mại cũng như về chính trị và an ninh. Về chính trị, an ninh và đối ngoại, ông Trump có chính sách riêng, chứ dường như không còn đồng hành cùng các thành viên khác của G7. Trong khi đó, Mỹ là linh hồn của G7. Không có Mỹ thì nhóm chỉ hữu danh vô thực. Cho nên ở cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính G7 lần này phải đối mặt thách thức sinh tồn của nhóm.