Bác sĩ: Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ở người trẻ

Bác sĩ: Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ở người trẻ

bởi

trong

Dây thần kinh số 7 điều khiển các cơ vận động ở vùng mặt như cười, nhăn trán, nhắm mắt, phồng má… Khi dây này bị tổn thương ở đoạn ngoại biên, bệnh nhân sẽ mất khả năng điều khiển một bên mặt, miệng méo, mặt xệ, mắt nhắm không kín, khó phát âm và ăn uống bất tiện.

Hệ quả từ lối sống ít vận động, thiếu lành mạnh

Bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3, cho biết, theo ghi nhận của các bác sĩ khi thăm khám lần đầu, hầu hết những bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đều có lối sống thiếu điều độ như:

  • Ngủ trễ, làm việc căng thẳng, stress kéo dài.
  • Tắm gội khuya, để tóc ướt đi ngủ hoặc tiếp xúc gió mạnh sau tắm.
  • Ngồi điều hòa liên tục nhiều giờ mà không giữ ấm mặt, cổ.
  • Thể trạng suy nhược, miễn dịch kém sau ốm dậy hoặc sau tiêm ngừa.
Bác sĩ: Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ở người trẻ

Không nên tắm gội khuya, để tóc ướt đi ngủ hoặc tiếp xúc gió mạnh sau tắm

Một số nguyên nhân trực tiếp khác có thể kể đến là:

Nhiễm lạnh đột ngột: Chiếm tới 80% các trường hợp, thường xảy ra vào ban đêm khi người bệnh tắm khuya, để quạt thổi trực tiếp vào mặt khi ngủ hoặc ra đường mà không che chắn kỹ.

Nhiễm virus: Đặc biệt là herpes simplex (HSV-1), zona thần kinh (varicella-zoster), Epstein-Barr…

Viêm nhiễm tai – mũi – họng kéo dài như viêm tai giữa, viêm xương chũm.

Rối loạn tuần hoàn não: Gặp ở người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu.

Chấn thương, u não, tổn thương nền sọ: Ít gặp hơn nhưng cần loại trừ khi có dấu hiệu thần kinh phối hợp.

Theo cách giải thích của y học cổ truyền, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thuộc phạm trù “khẩu nhãn oa tà” – thường do phong hàn, phong nhiệt xâm nhập hoặc khí huyết hư suy, làm tắc nghẽn kinh lạc vùng mặt.

Phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả

Tình trạng bệnh có thể khởi phát nhanh và đột ngột, chỉ sau một giấc ngủ hoặc sau khi tiếp xúc lạnh, khiến người bệnh không kịp ứng phó. Những dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Miệng méo lệch về một bên, không thể huýt sáo hoặc cười đều.
  • Mắt không thể nhắm kín, phải dùng tay hỗ trợ khi ngủ.
  • Không còn nếp nhăn trán, nếp mũi bên má bị liệt.
  • Uống nước bị chảy ra ngoài, thức ăn đọng trong miệng.
  • Có thể kèm đau tai, ù tai, giảm vị giác.
  • Một số trường hợp có biểu hiện đau vùng góc hàm trước khi khởi phát.

“Nếu không điều trị sớm, người bệnh có thể bị co cứng cơ mặt kéo dài, mất cân đối khuôn mặt, nguy cơ bị hội chứng “nước mắt cá sấu” – chảy nước mắt khi nhai, viêm loét giác mạc do mắt không nhắm kín và khó khăn trong việc vận động các nhóm cơ trên mặt”, bác sĩ Phối Hiền cảnh báo.

Bác sĩ: Nguyên nhân dẫn đến liệt dây thần kinh số 7 ở người trẻ - Ảnh 2.

Tập thể dục đều đặn, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc phòng nhiều bệnh

“Thời gian vàng” để điều trị 

Theo bác sĩ Hiền, hiệu quả của việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh và thời điểm can thiệp. Nếu bệnh nhân đến khám trong vòng 72 giờ đầu, khả năng hồi phục có thể đạt 80-90%.

Để phòng bệnh hiệu quả, người trẻ cần:

  • Giữ ấm vùng đầu – cổ khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào ban đêm.
  • Không tắm khuya, không ra gió lạnh khi tóc còn ướt.
  • Tránh ngồi điều hòa quá lâu, nhất là khi ngủ.
  • Tập thể dục đều đặn, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc.
  • Khi có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp sớm.

“Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là dấu hiệu cảnh báo sự mất cân bằng trong cơ thể, cả về thể chất lẫn môi trường sống. Đây không còn là bệnh của người lớn tuổi mà dần trở thành hậu quả của thói quen sinh hoạt không hợp lý ở người trẻ. Do đó, đừng chủ quan khi khuôn mặt bạn có dấu hiệu bất thường”, bác sĩ Phối Hiền khuyến cáo.

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Theo bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, phát hiện sớm, điều trị đúng, kết hợp giữa đông và tây y là hướng tiếp cận toàn diện giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, phòng tránh các biến chứng lâu dài.

Y học hiện đại – Điều trị nội khoa và vật lý trị liệu:

Corticoid liều cao: Giúp giảm phù nề, giảm chèn ép trong ống thần kinh.

Thuốc kháng virus: Dùng nếu nghi ngờ nguyên nhân do HSV, zona.

Vitamin nhóm B (B1, B6, B12): Hỗ trợ tái tạo dây thần kinh.

Tập vận động cơ mặt, kích điện nhẹ, liệu pháp nhiệt và massage hỗ trợ.

Y học cổ truyền – Vai trò quan trọng trong phục hồi:

Châm cứu – cứu ngải tại các huyệt vùng mặt như ế phong, giáp xa, hợp cốc…

Cấy chỉ catgut: Giúp kích thích liên tục, giảm số lần điều trị, phù hợp với người không có thời gian đến bệnh viện mỗi ngày.

Bài thuốc đông y: Tùy thể bệnh, có thể dùng thuốc khu phong tán hàn, bổ khí huyết, hoạt huyết thông lạc.