Một số nhà sản xuất ô tô đang đánh giá lại cam kết chỉ bán xe điện vào một mốc thời gian cụ thể trong tương lai, trong khi một số khác thận trọng và tính toán hơn. BMW nằm trong nhóm thứ hai, có chung định hướng giống Toyota là có nhiều cách để đạt mục tiêu trung hòa carbon – tổng lượng khí CO2 thải ra môi trường cân bằng với lượng CO2 được hấp thụ hoặc loại bỏ. Cả hai đều cho rằng cần nhiều loại động cơ khác nhau để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Tại cuộc họp thường niên lần thứ 105 của BMW, CEO Oliver Zipse nhắc lại rằng công ty đang đi đúng hướng khi tiếp tục bán cả xe xăng, xe diesel và xe hybrid song song với các mẫu xe thuần điện sắp ra mắt tới đây. Công ty cũng cân nhắc xe chạy bằng hydro, với sản phẩm đầu tiên hợp tác phát triển cùng Toyota, dự kiến ra mắt vào năm 2028.

Lãnh đạo BMW cho rằng cần có danh mục sản phẩm sử dụng động cơ đa dạng để đáp ứng tốt nhiều nhu cầu khác nhau (Ảnh: BMW).
“Chúng tôi coi trọng các mục tiêu chính sách đầy tham vọng, nhưng chúng tôi không tin vào các quy định thiên lệch về mặt kỹ thuật, làm hạn chế nguồn cung. Nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho nền kinh tế tuần hoàn. Ở đây cũng vậy, chỉ cách tiếp cận toàn diện mới có thể tạo điều kiện và thúc đẩy đầu tư. Bởi vì, nếu chỉ dựa vào duy nhất công nghệ xe điện thì sẽ là đi vào ngõ cụt – điều giờ đây đã rõ ràng. Sự khác biệt là quá lớn, ngay cả chỉ trong nội bộ châu Âu”, ông Zipse nói.
Ông lấy ví dụ nước Bỉ, nhờ chính sách ưu đãi của chính phủ, xe thuần điện và xe hybrid đã chiếm hơn 60% thị phần xe mới vào năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Italy chỉ là 4%. Ông cho rằng cần cắt giảm lượng khí thải CO2 một cách hiệu quả, chứ không nên đi theo hướng cực đoan, chỉ chọn một cái.
“Ủng hộ một giải pháp không có nghĩa là phải phản đối giải pháp khác. Hướng đi của chúng tôi đã chứng minh được tính đúng đắn. Chúng ta đều cần nắm bắt nhiều cơ hội, áp dụng chiến lược đón nhận chứ không phải là loại bỏ”, ông giải thích.
Sau năm 2024 đạt được những kết quả đáng khích lệ – doanh số xe điện hóa tăng 4,8% lên 593.150 chiếc, BMW sẽ tiếp tục đà này trong năm 2025. Doanh số xe điện hóa của BMW trong quý I đạt 157.487 chiếc, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo Porsche cũng có quan điểm tương tự.
Trong cuộc họp thường niên gần đây của Porsche, CEO Oliver Blume cho biết tham vọng xe điện chiếm hơn 80% tổng doanh số của công ty vào năm 2030 (được công bố vào tháng 3/2022) là không thực tế.

Ông Blume cho biết Porsche sẽ ra thêm nhiều xe hybrid (Ảnh: Car Magazine).
Trong bài phát biểu của mình, ông Blume trước tiên nói về những khó khăn mà Porsche đang phải trải qua, với doanh số năm 2024 giảm 3% từ 320.331 xe xuống còn 310.718 xe. Doanh số quý I năm nay tiếp tục đà giảm, từ mức 77.640 xe của quý I năm ngoái xuống còn 71.470 xe (giảm 8%).
Doanh số mẫu xe điện sản xuất đại trà đầu tiên của hãng – Taycan – đang giảm. Trong cả năm 2020, có 20.015 xe Taycan đến tay khách hàng, sau đó tăng mạnh lên 41.296 xe vào năm 2021. Xe điện tiếp tục có doanh số tốt vào năm 2022 (34.801 xe) và năm 2023 (40.629 xe), nhưng sang năm 2024 đã giảm xuống chỉ còn 20.836 xe. Trong quý I năm nay, doanh số của Taycan đạt 4.203 chiếc, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, ông Blume cho biết Porsche sẽ có hướng đi trung lập, một mặt tiếp tục theo đuổi chiến lược điện khí hóa, và mặt khác sẽ mở rộng danh mục xe động cơ đốt trong và xe hybrid, bổ sung thêm các mẫu xe mới.