Đêm 22 và rạng sáng 23/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công ca lấy đa tạng và ghép đồng thời hai quả thận từ một người hiến chết não – đánh dấu bước tiến lớn của y học địa phương trong kỹ thuật ghép tạng.

Hình ảnh người vợ quỳ gối tiễn biệt tạng hiến của chồng trước khi rời Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Người hiến tạng là anh Đ.V.L., 37 tuổi, nhập viện đêm 21/5 trong tình trạng hôn mê sâu do xuất huyết não, giãn đồng tử hai bên, mất phản xạ ánh sáng, phải thở máy hoàn toàn. Dù các bác sĩ nỗ lực hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện và anh được xác định chết não.
Gia đình anh L., sau khi được các bác sĩ và tổ tư vấn hiến tạng bệnh viện giải thích và chia sẻ, đã đưa ra quyết định đầy dũng cảm và nhân văn: đồng ý hiến tạng chồng để cứu người.
Người vợ – là nhân viên y tế tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh – có mặt từ đầu đến cuối, âm thầm chứng kiến giây phút chồng được đưa vào phòng mổ lấy tạng. Khi các bác sĩ đưa từng hộp tạng ra khỏi phòng phẫu thuật để vận chuyển tới các bệnh viện nhận ghép, chị lặng lẽ quỳ gối giữa hành lang, tay run run chạm nhẹ vào từng hộp chứa tim, gan, phổi, thận và giác mạc của chồng – như một lời chào thiêng liêng tiễn biệt anh lần cuối.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức dành một phút tri ân, mặc niệm để cảm ơn người hiến tạng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Hình ảnh ấy khiến nhiều y bác sĩ, nhân viên bệnh viện không cầm được nước mắt.
“Tôi đã tham gia nhiều ca ghép tạng, nhưng chưa từng chứng kiến một khoảnh khắc nào xúc động và ám ảnh đến vậy”, một bác sĩ chia sẻ, “Một sự tiễn biệt không lời, nhưng chạm đến tận cùng trái tim của tất cả chúng tôi”.
Ngay sau khi xác định người bệnh chết não, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp khẩn, phối hợp hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, triển khai toàn bộ quy trình lấy và ghép tạng theo đúng quy định pháp luật. Trong đêm, các chuyên gia từ Bệnh viện Việt Đức cũng có mặt tại Quảng Ninh để hỗ trợ kỹ thuật.
Rạng sáng 23/5, ca phẫu thuật lấy đa tạng diễn ra thành công, gồm: tim, gan, phổi, hai thận và hai giác mạc. Gần 100 y bác sĩ được huy động, 5 phòng mổ hoạt động đồng thời trong trạng thái vô trùng tuyệt đối.
Hai quả thận được ghép cho hai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối – một tại Quảng Ninh và một tại Hà Nội. Sau ghép, cả hai bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi tích cực, thận tưới máu tốt, bắt đầu bài tiết nước tiểu. Các tạng còn lại được vận chuyển ngay trong đêm tới các bệnh viện chuyên sâu tại Hà Nội và Huế để tiếp tục hành trình trao sự sống.
Bác sĩ Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Đây không chỉ là một thành tựu y học mà còn là biểu tượng nhân văn sâu sắc. Gia đình người hiến đã vượt qua nỗi đau riêng để trao hy vọng sống cho nhiều người khác. Đó là sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng cao cả”.

Hai kíp ghép thận cho 2 bệnh nhân được thực hiện đồng thời ngay sau khi lấy tạng (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Thành công của ca lấy – ghép tạng lần này cũng đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong năng lực chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề để triển khai thường quy kỹ thuật ghép thận và tiến tới ghép đa tạng tại chỗ, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương và mang lại cơ hội sống kịp thời cho hàng trăm bệnh nhân suy tạng khác.
Nhưng vượt lên tất cả những con số và thành tích, hình ảnh người vợ quỳ gối tiễn biệt chồng – người đã chọn cách “cho đi để còn mãi” – sẽ còn đọng lại rất lâu trong ký ức của những người chứng kiến. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng của tình yêu, của lòng vị tha và của một niềm tin bất diệt vào điều tốt đẹp trong con người.