Herping là gì mà khiến du khách mê mẩn?
Du lịch herping – một hoạt động mới lạ và hấp dẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Không chỉ thỏa mãn đam mê khám phá động vật hoang dã, hoạt động herping mới mẻ này còn mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch sinh thái tại các vùng rừng núi Việt Nam.
“Herping” bắt nguồn từ “herpetology” – ngành nghiên cứu về bò sát và lưỡng cư. Đây là hoạt động dã ngoại nhằm tìm kiếm, quan sát và ghi hình các loài như rắn, thằn lằn, rùa, ếch, nhái… trong môi trường sống tự nhiên của chúng.



Các nhóm khách nước ngoài đi tour herping ở Việt Nam
Ảnh: NVCC
Điểm đến yêu thích của các du khách quốc tế
Một trong những điểm đặc biệt thu hút du khách quốc tế là thiên nhiên Việt Nam có nét đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và có sự phân hóa đa dạng theo từng vùng miền. Với sự phong phú từ những loài bò sát hiếm gặp đến các loài lưỡng cư độc đáo, du lịch herping mang lại cơ hội khám phá và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời trong thiên nhiên hoang dã. Và không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những loài động vật đặc hữu chỉ có tại Việt Nam, như loài rắn lục Hòn Sơn trên đảo Hòn Sơn (Kiên Giang).
Theo chia sẻ của Nguyễn Minh Phú (21 tuổi, đồng sáng lập nhóm cứu hộ rắn Viet Snake Rescuer), khách quốc tế tìm đến Việt Nam vì Việt Nam có sự đa dạng sinh học cao. Có hơn 500 loài lưỡng cư, bò sát; riêng rắn có hơn 200 loài rắn, trong đó có rất nhiều loài đặc hữu. Màu sắc của các loài lưỡng cư, bò sát rất sặc sỡ. Chính vì thế nhiều du khách quốc tế tìm đến để được tận mắt thấy và chụp ảnh.
Khách tham gia herping phần lớn đến từ Mỹ, Đức, Pháp, Úc và Singapore. Anh Phú cho biết do tính chất đi rừng nên thường chỉ tổ chức cho 3 – 4 người trong một chuyến herping.
Tham gia trong chuyến đi herping tại đảo Hòn Sơn (Kiên Giang), ông James Hunt (41 tuổi, quốc tịch Mỹ) cho biết đây là đầu tiên ông đặt chân đến hòn đảo này. Mong muốn lớn nhất của ông trong chuyến đi là có thể thấy được tận mắt và chụp hình rắn lục Hòn Sơn.

Nguyễn Minh Phú cho biết anh cùng cộng sự tổ chức các chương trình xem rắn vào ban đêm nhằm gây quỹ cho hoạt động cứu hộ và tái thả rắn về tự nhiên. Các chương trình được thực hiện tại một số vườn quốc gia với sự cho phép của cơ quan quản lý. Khách tham gia chủ yếu là người nước ngoài
ẢNH: LONG HIẾU

Để chuyến đi an toàn, Phú và cộng sự chủ động khảo sát địa hình trước. Các chuyến herping diễn ra vào ban đêm, thời điểm các loài bò sát và lưỡng cư hoạt động. Người tham gia được yêu cầu mang đèn pin, móc rắn và mặc quần dài để đảm bảo an toàn
ẢNH: LONG HIẾU

Ông James Hunt cho biết ông đã thực hiện hơn 100 chuyến herping tại nhiều nơi thế giới trong nhiều năm. Ông đặc biệt ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên và các loài động vật tại Việt Nam. “Thiên nhiên Việt Nam luôn mang lại cho tôi một cảm giác thích thú mỗi khi ghé đến. Chính vì thế tôi đã dành 8 năm đi khắp Việt Nam với mong muốn chụp được nhiều loài động vật nhất có thể”, ông James cho biết thêm
ẢNH: LONG HIẾU



Sau khoảng 2 tiếng di chuyển, nhóm đã may mắn gặp được rắn lục Hòn Sơn (tên khoa học: Trimeresurus honsonensis). Phú nhanh chóng dùng móc rắn chuyên dụng nhẹ nhàng đưa con rắn ra vị trí dễ quan sát, tạo điều kiện để ông James tiếp cận ở khoảng cách an toàn. Phú cũng thuyết minh chi tiết về loài vật này cho cả nhóm
ẢNH: LONG HIẾU

Ếch cây sần Việt Nam (tên khoa học: Theloderma vietnamense), một loài động vật đặc hữu của Việt Nam
ẢNH: JAMES HUNT

Chuồn chuồn đỏ cánh trắng (tên khoa học: Tholymis tillarga) có màu thân màu đỏ nâu đặc trưng. Chúng thường xuất hiện gần mặt nước như ao, hồ, đầm lầy, bay chậm và thấp. Loài này phân bố rộng ở vùng nhiệt đới châu Á, trong đó có Việt Nam
ẢNH: JAMES HUNT